Hành trình kết nối và trải nghiệm

GD&TĐ - Gắn các hoạt động giáo dục học sinh với việc tìm hiểu, giới thiệu và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương là hoạt động giáo dục được các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc tổ chức sôi nổi và mang lại hiệu quả cao. Đó là kiểu mô hình “Trường học đa văn hóa” gắn với thực tiễn đời sống…  

 Hành trình kết nối và trải nghiệm

Đưa học sinh về với văn hóa cổ truyền

Thực chất của mô hình “Trường học đa văn hóa” là tổ chức các hoạt động gắn với mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” nhằm đưa học sinh về gần với thực tiễn đời sống thông qua các hoạt động giáo dục nhằm góp phần giáo dục toàn diện học sinh.

Trọng tâm của hoạt động giáo dục này là ngoài kiến thức sách vở, các nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu, thực hành diễn xướng bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Qua đó, giáo dục niềm tự hào, ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

“Với đặc thù đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, sinh ra từ các bản Mông, Dao, Tày nên việc giáo dục các em bằng văn hóa bản địa là rất phù hợp”, thầy giáo Quan Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ. Cũng theo thầy Thưởng, mô hình trường học đa văn hóa ở vùng cao Tây Bắc chính là cách giáo dục học sinh lòng yêu nước bằng tình yêu văn hóa xứ sở.

Mô hình “Trường học đa văn hóa” ở các trường học vùng cao Tây Bắc được áp dụng rộng khắp các cấp học, từ bậc Mầm non đến THPT với nhiều hình thức tổ chức phong phú, gắn với đặc thù vùng miền.

Mô hình được gắn với kế hoạch giáo dục của các nhà trường trong cả năm học, trải dài theo năm học bằng các hoạt động cụ thể. Thời điểm tốt nhất để tổ chức các hoạt động của mô hình này là vào dịp Tết nguyên đán, ngày hội văn hóa các dân tộc, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngày thành lập Đoàn 26/3…

“Với sự phát triển của xã hội, nhiều mặt trái đã tác động vào giới trẻ, nhiều cháu mải mê chạy đua theo những mốt mới mà quên đi cái gốc của văn hóa dân tộc mình. Nguy cơ mai một văn hóa bản địa sẽ không còn xa. Vì thế, các nhà trường tổ chức giáo dục văn hóa thực tiễn là vô cùng hữu ích đối với con em đồng bào vùng cao”, nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày ở bản Rịa, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai) nhận định như vậy.

Như vậy, mục đích của mô hình trường học đa văn hóa là nhằm giáo dục thế hệ trẻ có hiểu biết về vốn văn hóa dân tộc, có ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống hôm nay. “Mỗi em học sinh sau khi được giáo dục sẽ có niềm tự hào và cách bảo tồn vốn văn hóa dân tộc của riêng mình”, thầy Mùa A Đàn (dân tộc Mông, Trường THCS Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) chia sẻ.

Đa dạng các hoạt động trải nghiệm

Nói đến “đa văn hóa” có nghĩa là các hoạt động giáo dục của mô hình này không “đóng khung” trong một hoạt động, một hình thức và một nội dung nhất định là sẽ được tổ chức đa dạng và phong phú. Xuất phát từ vốn văn hóa xứ sở mang đậm chất cổ truyền, các nhà trường đã chủ động tổ chức giáo dục học sinh bằng nhiều chủ đề như vốn văn hóa ứng xử của đồng bào vùng cao, vốn văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, nhà ở, các phong tục như cưới hỏi, lễ hội hay vốn văn hóa nghệ thuật như hát then, múa sinh tiền, hát xường, hát yếu, múa gậy, lễ cấp sắc…Nhờ vậy, các em học sinh ở nhiều dân tộc sẽ có sự giao thoa văn hóa để có những hiểu biết phong phú về văn hóa ở địa bàn mình sinh sống.

Khi tổ chức, các nhà trường ở địa bàn Tây Bắc đã chọn nhiều hình thức tổ chức sao cho phù hợp với nhà trường. Có thể gắn với ngoại khóa, tích hợp môn học tại nhà trường. Có thể tổ chức những chuyến trải nghiệm tại làng bản, nghe các nghệ nhân kể về văn hóa bản địa. Có thể thi tìm hiểu, thi diễn xướng dân gian hay kể chuyện văn hóa bản em qua lời kể, qua tranh vẽ…Hình thức nào cũng gây được hứng thú đối với các em học sinh.

Tại trường THCS Cốc San (Bát Xát- Lào Cai), nơi hội tụ tới tám dân tộc như H’mông, Thái, Tày, Nùng, Giáy, Dao…với nhiều sắc màu văn hóa, khi thực hiện mô hình trường học đa văn hóa, nhà trường đã phát động các lớp thi trang trí lớp học thân thiện mang tên “Mô hình văn hóa cộng đồng”. “Học sinh các lớp rất hào hứng và sáng tạo khi sưu tầm, sắp xếp góc văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc. Bằng việc sưu tầm và trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc như trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động…không gian các lớp học trở nên thân thiện, gần gũi và ấp áp. Chính các em học sinh người dân tộc thiểu số thực hiện công việc này”, một cô giáo nhà trường chia sẻ.

Còn tại Trường THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai), mô hình trường học đa văn hóa được nhà trường tổ chức rất hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa về các chủ đề lễ hội, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số. Học sinh người Mông, Dao, Tày rất hào hứng và tự hào khi biểu diễn các nghi lễ cổ truyền của dân tộc mình như hát then, cưới hỏi, lễ cấp sắc…. Trong các buổi ngoại khóa mang đậm sắc màu văn hóa cổ truyền dân tộc như “Sắc xuân trên non cao”; “Nét đẹp văn hóa dân tộc H, Mông”, “Nét đẹp văn hóa dân tộc Tày”. Các em học sinh cảm thấy gắn bó với trường lớp, tự hào về nguồn cội của mình và luôn có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của quê hương.

Tạo sự hứng thú với học sinh

Điều đặc biệt là khi các nhà trường tổ chức các hoạt động của mô hình trường học đa văn hóa, nhiều em học sinh tỏ ra rất hào hứng, yêu thích và tham gia các hoạt động khá thành thạo. Bởi lẽ, chính các em được thực hành diễn xướng văn hóa của chính dân tộc mình.

“Những chuyến đi trải nghiệm tại bản Tày, bản Mông do thầy cô tổ chức đã giúp chúng em có những trải nghiệm lý thú và hữu ích văn hóa xứ sở của các dân tộc. Mỗi chúng em thêm yêu, thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa quê hương mình”, em Mùa Thị Su, dân tộc Mông ở Bắc Yên, Sơn La chia sẻ.

Để các hoạt động giáo dục của mô hình “Trường học đa văn hóa” được hiệu quả, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức, phối hợp với chính quyền địa phương, các bản làng, nghệ nhân dân gian để tổ chức. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt cụm trường, tập huấn cho giáo viên kỹ năng tổ chức sao cho phù hợp và hiệu quả.

Tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sinh hoạt cụm trường gắn với mô hình đa văn hóa tại xã Kim Sơn, nơi có đông học sinh dân tộc Mông, Tày, gắn với văn hóa của đồng bào vùng cao.

Mô hình “Trường học đa văn hóa” đang tạo sức hút hiệu quả đối với học sinh vùng cao Tây Bắc. Đây là cơ hội giúp các em tự hào và có ý thức gìn giữ, phát huy vốn văn hóa xứ sở, gắn tri thức sách vở với thực tiễn đời sống. Đồng thời, đây cũng là điểm xuất phát cho phát triển du lịch cộng đồng tại các bản làng mà chủ nhân chính là các em học sinh người dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ