Trước 2 ca ghép ruột thành công của Bệnh viện Quân y 103, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định: “Thành công này thể hiện năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 103 nói riêng và ngành Y tế nói chung. Thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà”.
Trước đó, ngày 31/10, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) tổ chức họp báo, công bố ca ghép ruột thành công từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam. Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, ghép ruột là một trong những kỹ thuật ghép tạng rất khó.
Sau những thành công về ghép thận, gan, tim, tụy - thận, phổi, lãnh đạo học viện xác định, triển khai ghép ruột từ người cho sống là một nhiệm vụ trọng tâm.
Để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ này, từ năm 2018, học viện đã chuẩn bị, cử cán bộ tới Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) để khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột. Đồng thời, đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép ruột tại đơn vị.
Sau đó, các bác sĩ thực hiện phẫu tích xác để nghiên cứu đường đi của động mạch, tĩnh mạch ở ruột. Đồng thời, tiến hành nhiều cuộc ghép thực nghiệm trên lợn, gà. Nhờ đó, giúp thuần thục các kỹ thuật như rửa tạng, ghép tạng.
Tháng 12/2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”.
Hai ca mổ ghép ruột được thực hiện liền nhau vào ngày 27 và 28/10. Để chuẩn bị cho tất cả các khâu của ca ghép ruột, gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế tại Bệnh viện Quân y 103 được huy động. Ca phẫu thuật còn có sự phối hợp của chuyên gia ghép tạng người Nhật Bản - GS Motoshi Wada thuộc Bệnh viện Đại học Tohoku.
Trường hợp đầu tiên là anh N.V.D (42 tuổi), có tiền sử viêm loét, thủng đại tràng, được mổ tại Bệnh viện Bình Dương (tháng 2/2007). Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tắc ruột, được phẫu thuật cắt ruột non tại Bệnh viện Chợ Rẫy (tháng 7/2007). Sau phẫu thuật, chiều dài ruột non của bệnh nhân chỉ còn khoảng 80cm.
Ngày 2/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân suy ruột, hội chứng ruột ngắn type 1. Người bệnh được phẫu thuật gỡ dính ổ bụng, nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch.
Bệnh nhân thứ 2 là anh L.V.T. (26 tuổi), người dân tộc Thái. Đầu tháng 9, anh T. bị viêm phúc mạc do hoại tử ruột non, được phẫu thuật cắt ruột non tại Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu). Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn khoảng 20cm chiều dài ruột non.
Sau phẫu thuật, 2 người cho ruột đều ổn định. Trong khi đó, 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi. Các chỉ số sinh tồn của 2 trường hợp này ổn định.
Với thành công này, Việt Nam đã trở thành một trong 22 nước thực hiện kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 1.000 ca ghép ruột thành công.