Đáp ứng nhu cầu người bệnh
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: Ông đã có báo cáo về những khảo sát thực trạng bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng tại Bệnh viện E.
Hiện tại Bệnh viện E có gần 1.000 giường với hơn 1.000 cán bộ viên chức, trong đó, bác sĩ có trình độ sau đại học chiếm hơn 70%: 1 GS, 6 PGS, các tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I... Quy mô với 53 khoa, phòng và 4 trung tâm (Tim mạch, Cơ xương khớp, Ung bướu, Tiêu hoá).
Với các kỹ thuật thực hiện được như: Phẫu thuật tim kín, phẫu thuật tim hở với nội soi hỗ trợ các bệnh tim bẩm sinh phức tạp; bắc cầu động mạch chủ vành. Can thiệp mạch, tim qua da. Phẫu thuật nội soi bụng, ngực; các phẫu thuật loại đặc biệt về ung thư, nội tiết, tai mũi họng...
Phẫu thuật sọ não, cột sống. Tạo hình thân đốt sống bằng xi măng. Thay khớp háng, khớp gối; đo mật độ xương bằng máy Dexa; hệ thống phục hồi chức năng tiên tiến.
Sản phụ khoa: Phẫu thuật nội soi cắt tử cung, chẩn đoán trước sinh, giảm đau trong đẻ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Phẫu thuật PHACO, vi phẫu, chỉnh hình hàm mặt....
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng nhận xét: Bệnh viện E là Bệnh viện đa khoa có đủ điều kiện cả về vật chất và con người để thực hiện ghép tạng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần chú ý đến những yếu tố pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho đội ngũ bác sĩ và người hiến tặng và người nhận.
Tiến tới thành lập Ngân hàng mô, tạng, vì một người hiến có thể lấy được nhiều bộ phận cơ thể để ghép cho nhiều người bệnh khác.
Cơ sở vật chất đáp ứng việc ghép tạng
Trao đổi về việc sẽ triển khai việc ghép mô, tạng tại bệnh viện, TS.BS Nguyễn Công Hựu cho biết: Về cơ sở vật chất, Bệnh viện E đáp ứng được nhu cầu ghép tạng, vì hiện BV có 4 phòng mổ liên hoàn, đạt chuẩn tại Trung tâm tim mạch. Đội ngũ, bác sĩ đều là những chuyên gia đầu ngành về tim mạch, ngoại khoa, nội khoa…
Để triển khai, Bệnh viện sẽ thành lập Hội đồng chết não với sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện do giám đốc ký, để đánh giá, hội chẩn và đưa ra kết luận đối với bệnh nhân.
Khi có bất kỳ ca nào cần ghép tạng sẽ báo lên Trung tâm ghép tạng (Bệnh viện Việt Đức) để được hỗ trợ về mặt chuyên môn, đồng thời báo cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để theo dõi, hỗ trợ và đồng hành trong suốt quá trình bệnh nhân có nhu cầu, ghép và sau ghép…
TS Hựu cũng hy vọng sau khi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì Bệnh viện E có thể triển khai được ghép tạng một cách sớm nhất.
Theo PGS.TS Đỗ Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E, trong quá trình thực hiện các khoa sẽ lên kế hoạch, đánh giá và lên danh sách bệnh nhân được chỉ định ghép tạng. Hỗ trợ người của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người lập hồ sơ xác định bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng.
Dưới sự hỗ trợ của các khoa liên quan rà soát không lọt bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng, thẩm định, đánh giá từ các khoa và công tác lưu trữ, duy trì cho đến khi bệnh nhân tử vong thì loại bỏ…
Có như vậy, thì chúng ta mới xác định được chính xác thực trạng bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng thực sự của Bệnh viện E, để từ đó tiến hành xây dựng các bước tiếp theo trong quá trình ghép tạng tại Bệnh viện E.
“Tôi tin chắc chắn Bệnh viện E có các điều kiện cần và đủ để thành lập Trung tâm ghép tạng và tiến tới ghép mọi bộ phận cơ thể người. Nhưng trước mắt, tôi hy vọng, Bệnh viện E có thể ghép tử cung và ghép thận được đầu tiên trước khi tiến hành ghép các bộ phận khác.
Điều này rất cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa của Bệnh viện E như Hồi sức tích cực và chống độc, Ngoại tổng hợp, Ung bướu, tim mạch, hô hấp…” - GS.TS Trịnh Hồng Sơn.