Nhà nhiếp ảnh tự học
Triển lãm ảnh và ra mắt sách ảnh “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hải tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thu hút đông đảo giới nghệ sĩ và công chúng yêu mến nhiếp ảnh đến thưởng lãm tác phẩm, cũng như hiểu hơn về hành trình “chuyển mình” của một nhà giáo sau khi xa rời bục giảng.
Theo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh” là câu chuyện kể bằng hình ảnh với những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc của nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải. Đó là những tác phẩm ghi lại hành trình khám phá vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên và con người Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới qua lăng kính tinh tế và giàu cảm xúc.
Bên cạnh triển lãm, tác giả cũng ra mắt sách ảnh cùng tên, tập hợp những bức ảnh được tuyển chọn kỹ lưỡng với công nghệ in ấn chất lượng, mang đến cho người xem trải nghiệm thị giác chân thật về những chuyển động phong phú của cuộc sống con người và văn hóa đó đây.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hải được xem là một trường hợp đặc biệt trong giới nhiếp ảnh, khi từ một cô giáo đã bén duyên với nhiếp ảnh một cách khá muộn - ở tuổi 60, nhưng lại luôn say sưa như không thể dứt ra. Bằng đam mê và sự tìm tòi, học từ sách vở, từ bạn bè và từ chính bản thân với chiếc máy ảnh trong những chuyến điền dã dài cả tháng trời, bà đã nhanh chóng khẳng định được tài năng và phong cách nhiếp ảnh của mình.
Sau gần 7 năm cầm máy, đến nay nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải đã tạo lập một gia tài tác phẩm đồ sộ với hàng vạn bức ảnh chụp khắp thế giới, trong đó có nhiều tác phẩm đã đạt các giải thưởng trong các cuộc thi nhiếp ảnh.
Ở tuổi 65 nhưng bà không ngại ngần đến những nơi xa xôi, khắc nghiệt như Bắc Cực, Nam Cực, Siberia hay châu Phi để tìm kiếm những trải nghiệm và cảm xúc mới. Tự xem mình như mới vừa khởi nghiệp nên bà cho rằng, càng đi nhiều càng khỏe, càng vui. Nhiệt huyết ấy ở một bà giáo nghỉ hưu đã khiến cả những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi, sung sức cũng phải thán phục.
“Tôi hi vọng thông qua triển lãm và cuốn sách “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh”, tôi có thể góp phần lan tỏa tình yêu nhiếp ảnh, khơi gợi cảm hứng sáng tạo và giúp mọi người nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống xung quanh mình”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hải chia sẻ.
Nhà văn, nhiếp ảnh gia Phan Chí Thắng nhận định rằng: “Minh Hải bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh rất muộn, vào tuổi người khác thích ở nhà lo bếp núc và chơi với cháu. Từ một cô giáo, chị cầm máy ảnh và rồi không thể rời xa. Không qua bất kỳ một khóa lớp nào, chị liên tục tìm tòi, học hỏi… và đạt được thành tựu, được giới nhiếp ảnh và bạn bè đánh giá cao tuy chị chỉ luôn coi mình là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư”.
Đi khắp nơi “săn” ảnh đẹp
“Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh” là triển lãm cá nhân lần thứ 2 của nghệ sĩ Minh Hải. Trước đó vào năm 2021 nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, bà đã trưng bày 50 tác phẩm – phần lớn về di sản, di tích, làng nghề Việt Nam với chủ đề “Di sản ký ức” bên cạnh các tác phẩm về phong cảnh thiên nhiên, động vật hoang dã.
Nghệ sĩ Minh Hải cho biết, bà chính thức bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh vào năm 2015. Con đường nhiếp ảnh, với nhiều người tưởng đó là lĩnh vực nhàn hạ, nhưng thực ra lại vô cùng gian nan vất vả. Hết lên rừng xuống biển lại vào Nam ra Bắc, với những chuyến điền dã dài hàng tháng trời, và thậm chí phải “mật phục” trong những bụi cây để có những bức ảnh ưng ý mà tự nhiên nhất.
Giới nhiếp ảnh đánh giá, Minh Hải có tài đặc biệt trong việc chụp chim muông, đặc biệt với loài chim bói cá, chúng có nhiều trạng thái biểu cảm tuyệt vời khiến bản thân người chụp say mê. “Mỗi loài có những biểu cảm khác nhau, tạo cho mình những cảm xúc rất lạ, rất riêng. Gần gũi chúng, tôi nhận ra chính động vật hoang dã có thể tham gia vào việc bồi đắp cho con người tình yêu với thiên nhiên, với đồng loại”, nghệ sĩ Minh Hải cho biết.
Nhiếp ảnh gia Minh Hải là con gái Thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 - Tư lệnh Quân khu 3, và cụ bà Nguyễn Thị Trinh - Đội phó Đội du kích Hoàng Ngân.
“Trong quá trình công tác, cha tôi thường chụp ảnh tư liệu ở đơn vị, những tối cuối tuần tôi cứ thấy ông lụi hụi trong buồng tối rồi mang ra những bức ảnh. Tuổi bé thơ được tiếp xúc với cách làm ảnh như thế đã khiến tôi dần yêu thích nhiếp ảnh”, nghệ sĩ Minh Hải chia sẻ.
Năm 2015, Minh Hải được một kiến trúc sư, cũng là một nhà nhiếp ảnh động viên bằng việc mời vào Sài Gòn và tặng một máy ảnh Sony Alpha A6000. Từ đó bà bắt đầu chụp, những ngày tháng đầu chỉ chụp sen vì yêu thích loài hoa này và đi khắp những nơi nào có sen đẹp để chụp.
Sau đó, bà tiếp cận nhiều hơn với thiên nhiên, đi sâu vào việc chụp động vật. Khoảnh khắc chim bói cá lao xuống nước đớp mồi, tha mồi về tổ cho chim non không chỉ đẹp mà còn khiến nhiều người lay động trái tim.
Cứ thế, các tác phẩm về chim bói cá trong danh mục tác phẩm của Minh Hải ngày càng nhiều. Giới nhiếp ảnh cũng xem bà như một chuyên gia ở lĩnh vực chụp chim bói cá. Thế nhưng ít ai biết, để săn được những khoảnh khắc tuyệt vời của loài chim này, ngoài máy ảnh có tính năng cao cấp tốc độ cao, thì người chụp phải rất kiên trì, và thậm chí phải “ăn bờ ở bụi” ngụy trang ở những nơi đầm lầy toàn muỗi, vắt và côn trùng có độc.
Không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người ở trong nước, nghệ sĩ Minh Hải còn có những kho ảnh đẹp về cảnh quan khắp các nước, như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức… và không nề hà đến những nơi khắc nghiệt Nam Cực, Bắc Cực để thâu vào ống kính những khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên đất trời.
Bởi vậy, “Vẻ đẹp cảm xúc nhiếp ảnh” không chỉ là một triển lãm, một cuốn sách ảnh đơn thuần, mà còn là câu chuyện kể về hành trình tìm kiếm và chắt lọc những rung động của một bà giáo nghỉ hưu, bước sang một con đường mới của nghệ thuật.