Xu Peng ngồi trong lớp học ở Đại học Thanh Hoa, một trong những đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Xu là học sinh duy nhất ở Mao Tan Chang vào được đại học này. Nhờ vậy mà Xu trở nên nổi tiếng ở quê nhà.
Chàng trai có dáng người thanh mảnh, phong cách ăn mặc giản dị cho biết lý do chọn Đại học Thanh Hoa vì đây là một nơi "khốc liệt". Thỉnh thoảng, Xu học suốt 48 giờ. Cậu chỉ nghỉ để đi tắm và ăn ở canteen. Lúc đến Đại học Thanh Hoa, Xu nhận thấy hầu hết các bạn cùng lớp đến từ nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc. Một số bạn là con của gia đình giàu có, dùng iPhone, có thẻ khách hàng thường xuyên hàng không, xem phim hài Mỹ. Nhiều người còn có vốn hiểu biết rộng về văn hóa và xã hội.
"Suốt học kỳ đầu tiên, tôi vẫn mơ hồ về cuộc sống của mình vì chưa từng có ai nói cho tôi biết phải làm gì", Xu tâm sự. So với những ngày còn ở Mao Tan Chang, cuộc sống của Xu hiện tại ở Đại học Thanh Hoa đã "dễ thở hơn". Xu học chuyên ngành về kỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, Xu có kế hoạch sang Mỹ để học thạc sĩ.
Học sinh trường Mao Tan Chang tan học lúc 11h trưa.
Hầu hết học sinh trường Mao Tan Chang xuất thân từ nông thôn. Kỳ thi đầu vào đại học cho họ cơ hội thoát khỏi công việc đồng áng. Họ hy vọng có thể đổi đời nhờ thành tích học tập cao ở trường.
Học sinh ở đây hoàn toàn bị tách biệt khỏi những trò tiêu khiển của cuộc sống hiện đại. Họ không được phép vào mạng hay dùng các thiết bị liên lạc. Thành phố gần nhất cách trường hai tiếng đi bằng ôtô. Ở đây, việc yêu đương, hẹn hò bị cấm hoàn toàn.
Nhiều phụ huynh ở Mao Tan Chang chưa bao giờ học đại học nên ao ước con mình trở thành sinh viên. Một số gia đình cấm con cái xem tivi để tập trung vào học, giành điểm cao trong kỳ thi quốc gia.
Một nửa số học sinh trong trường trọ ở ký túc xá, số khác sống cùng bố mẹ trong thị trấn. Gần đây, chính quyền địa phương cũng đóng cửa tất cả các điểm vui chơi, giải trí, trong đó có cả quán cà phê Internet.
Yang Wei, học sinh cuối cấp của trường trung học Mao Tan Chang, sinh ra trong gia đình nông dân trồng đào. Hiện Yang trọ tại trường cùng ông nội.
Mặc dù học suốt ngày nhưng điểm số của Yang vẫn thấp. Điều này khiến mẹ Yang rất lo lắng. Bà bỏ việc ở nhà máy may để đi theo hỗ trợ con trai.
Toàn bộ giáo viên đứng lớp của trường là nam. Họ áp dụng "kỷ luật nhà binh" khi dạy học. Học sinh sẽ bị phạt nếu không học chăm chỉ. Công việc và tiền thưởng giáo viên phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của họ trong việc cải thiện điểm số cho học sinh. Vì thế, lương của họ gấp khoảng 2-3 lần lương của các thầy cô giáo ở những ngôi trường công bình thường.
Bảo vệ và camera giám sát khu trường học 24/24. Tấm bảng màu đỏ trong ảnh ghi tên của học sinh và các trường mà họ đỗ vào. Năm 1998, trường trung học Mao Tan Chang chỉ có 98 học sinh vào được đại học. 15 năm sau, vào năm 2014, có tổng cộng 9.312 em đỗ cao đẳng, đại học.
Mẹ Yang Wei cầu cho con trai đạt điểm cao trong kỳ thi quan trọng.
Phụ huynh thả đèn trời cầu may cho con cái trước kỳ thi.
Học sinh lên xe đến thành phố khác để thi đại học.
Bắc Kinh đang thực hiện cải cách giáo dục để giảm nhẹ gánh nặng lên vai học sinh. Tuy nhiên, đến giờ, gaokao vẫn được cho là con đường duy nhất cho học sinh nông thôn thoát khỏi quê nhà để tìm kiếm thành công.