Hạnh phúc và nghĩa vợ chồng - hai điều quan trọng cần giữ trong cuộc sống

GD&TĐ - Đây là thông điệp mà TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam - muốn gửi tới tất cả mọi người nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền

Hạnh phúc là sự hài lòng

Mở đầu cuộc trò chuyện với các gia đình thành viên Hội người khuyết tật Hà Nội, TS. Trần Thị Thu Hiền nhận định: Gia đình là nơi chúng ta đi về, là nơi để bộc lộ bản thân và thương yêu chia sẻ. Một học giả đã nói rằng: "Mỗi gia đình tốt là hồng phúc của xã hội". Và mỗi chúng ta đều mong muốn góp phần làm nên hồng phúc ấy cho xã hội.

Trong thế giới đầy biến động hiện nay, người ta đang dựa trên chỉ số hạnh phúc, mức độ hài lòng của người dân để làm một trong những thước đo sự phát triển của một quốc gia.

Với một câu chuyện kể đậm tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, TS. Trần Thị Thu Hiền gửi tới mọi người thông điệp: "Hạnh phúc không phải những gì đã mất đi cũng không phải cái chưa đạt tới mà là thứ mà chúng ta đang nắm trong tay".

Hạnh phúc của mỗi người nằm trong một giá trị riêng. Và nó chính là sự hài lòng của mỗi cá thể đối với cuộc sống của chính mình.

6 điều làm nên hạnh phúc

Theo chia sẻ của TS. Trần Thị Thu Hiền, có 6 điều cơ bản nhất làm nên hạnh phúc thực sự cho mỗi người:

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: Một nụ cười, một cái nắm tay, hay một nụ hôn hay một ánh mắt trìu mến cũng có thể đủ mang lại hạnh phúc cho nhau. Hạnh phúc có thể chỉ là bữa cơm tối cùng quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng trang hoàng nhà cửa, cùng nhau xem và bạn luận về một bộ phim,...

Luôn suy nghĩ tích cực: Trong mọi tình huống của cuộc sống, bạn hãy luôn suy nghĩ tích cực. Ẩn trong sự yên bình, thế giới luôn đầy biến động. Bản thân chúng ta luôn phải sẵn sàng đối mặt và ứng xử với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

"Một em học sinh thường xuyên đi học bằng xe buýt tâm sự rằng, bên cạnh sự nóng nực, chen lấn giờ cao điểm, em được ngắm nhìn mọi người, có thể học được những bài học ứng xử cả từ những người nhường ghế và những người không nhường ghế, cách nói năng, đi lại của những hành khách đi cùng và rút ra bài học cho bản thân..." - Đó chính là cái nhìn lạc quan, tích cực khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn, TS. Trần Thị Thu Hiền đưa ra dẫn dụ.

Trao đi và không đòi hỏi nhận lại: Trao gửi không đặt ra điều kiện. Chia sẻ tình yêu thương và không đòi hỏi người khác hoàn trả lại. Cũng giống như quá trình gieo hạt, nảy mầm, ra hoa, kết trái.

Biết cách tha thứ: Trong gia đình, trong các mối quan hệ khó có thể tránh khỏi những mâu thuẫn hoặc gây tổn thương nhau. Vì vậy, muốn có được hạnh phúc, vui vẻ, bạn hãy học để biết tha thứ cho người khác, tạo bình an cho chính mình.

Đồng cảm và thấu cảm: Trong gia đình, các thành viên hãy cùng suy nghĩ, cùng mục đích chí hướng thì sẽ có thể cùng hiểu và thực hiện thuận lợi một việc chung. Hãy biết đặt mình vào điều kiện, hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu, cảm thông và hành xử sao cho phù hợp.

Có đồng cảm và thấu cảm thì mọi mâu thuẫn, mọi khó khăn sẽ được hóa giải và cuộc sống gia đình sẽ được ấm êm, hạnh phúc, tạo thêm động lực sống cho các thành viên gia đình cùng phát triển.

Luôn chủ động trong cuộc sống: Theo TS. Trần Thị Thu Hiền, đây là một trong những điều quan trọng tạo nên hạnh phúc. Trong bất kỳ tình huống nào, mỗi người cũng cần chủ động từ suy nghĩ, hành động để tự tạo dựng nên hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình mình và góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc.

"Điều quan trọng trong cuộc sống mà mỗi người phải luôn gắng giữ gìn là: Hạnh phúc và nghĩa vợ tình chồng. Hãy luôn trân trọng những điều đang có, sống tích cực, chủ động, cùng với những chia sẻ, cảm thông và bạn sẽ cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình" - (TS. Trần Thị Thu Hiền)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ