Hạnh phúc không phải là điều ước

GD&TĐ - “Em yêu! Anh về trễ hơn dự kiến nhé. Tàu gặp chút sự cố nên phải dừng lại hơi lâu. Em cứ ngủ đi. Sáng mai em tỉnh dậy là thấy anh ở nhà rồi”. 

Hạnh phúc không phải là điều ước

Đọc những dòng tin nhắn của anh, tôi chỉ muốn khóc một trận cho bõ tức. Anh không lạ gì tính tôi, vậy mà không hiểu tại sao anh nghĩ tôi đang ung dung ở nhà cơ chứ. Thực tế là tôi đang đứng co ro một mình ngoài sân ga để đợi anh. 

Xung quanh tôi, mọi người đứng theo từng nhóm, cười nói rỉ rả. Chưa bao giờ tôi thấy mình cô độc đến thế. Tôi không biết mình phải chờ đến lúc nào, nhưng cũng không muốn về nhà. Đúng lúc nước mắt tôi sắp trào ra vì tủi thân thì tiếng hét của một đứa bé làm tôi giật mình. Tôi không hề chủ động đón nhận điều này, nhưng nó đã diễn ra trước mắt tôi, đẹp và xúc động như những thước phim. 

Rất gần nơi tôi đứng là một người đàn ông, tay xách chiếc túi du lịch căng phồng. Thấy vợ con ra đón, anh không giấu được biểu cảm hạnh phúc. Anh vội buông chiếc túi xuống và bắt đầu hỏi han từng thành viên trong gia đình. Đầu tiên là cậu con trai nhỏ. Tôi đoán bé chỉ tầm 6 hoặc 7 tuổi. 

Người bố dành cho cậu bé một cái ôm ấm áp và chan chứa yêu thương. Khi cả 2 buông nhau ra, người bố nhìn vào mắt con trai, nói: “Bố nhớ con lắm! Bố không nghĩ hôm nay con cũng ra đón bố nữa, con làm bố bất ngờ đấy. Rất vui vì được gặp con”. Cậu bé mỉm cười đáp lại bố mình và cất lên giọng nói với tone trầm hơn hẳn so với tiếng hét trước đó: “Con cũng vui lắm bố ạ”.    

Tôi thấy người bố vò nhẹ mớ tóc của cậu bé rồi quay sang nói chuyện với đứa con trai lớn. Tôi đoán thằng bé này tầm 9 hoặc 10 tuổi: “Ôi, con trai bố đây hả? Con trưởng thành thật rồi, bố rất tự hào về con, bố yêu con nhiều lắm, con biết không?”. 

Vừa nói, anh vừa dùng cả 2 tay áp chặt lên mặt thằng bé. Thằng bé có vẻ hơi xúc động, gắng nhịn khóc bằng cách chớp mắt liên tục. Sau đó nó ôm chầm lấy bố, chặt đến mức tôi ngỡ họ không bao giờ buông nhau ra nữa.

Một lúc sau, người bố nhìn sang cô con gái út đang được mẹ bế, giọng anh bỗng nhỏ nhẹ và dịu dàng hơn hẳn: “Ôi, công chúa của bố, chào con!”. Cô bé vừa thích thú vừa ngại ngùng, vặn vẹo người trong vòng tay của mẹ, nhưng đôi mắt đen láy thì không rời khỏi bố. 

Đón lấy cô con gái bé bỏng từ tay vợ, người đàn ông vừa ôm vừa nhanh chóng hôn lên trán, má và mũi cô bé. Công chúa nhỏ tựa đầu vào vai bố trong sự mãn nguyện. Lúc này, người đàn ông mới nhìn sang vợ của mình, nói: “Em yêu! Anh để dành điều tuyệt vời nhất cho em”. Vừa nói anh vừa trao cho vợ mình một nụ hôn nồng cháy. Lúc ấy, cả sân ga giống như một sân khấu dành riêng cho họ. Tôi thấy mình là một khán giả vừa may mắn vừa… tội nghiệp. 

Cặp đôi đang đứng trước mặt tôi rõ ràng không còn trẻ nữa, thậm chí họ đã có đến 3 đứa con, nhưng cách thể hiện của họ chẳng khác gì cặp đôi mới cưới. Không rõ chuyện gì xảy ra, nhưng tai tôi khi ấy nghe rõ giọng nói của… chính mình: “Anh chị kết hôn được bao lâu rồi ạ?”. Người chồng vui vẻ đáp lại: “Chúng tôi yêu nhau 14 năm và kết hôn được 12 năm rồi”. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì sự tò mò của mình, nhưng đã lỡ rồi nên tôi đành chữa ngượng bằng cách… hỏi tiếp: “À, vâng, chắc anh vắng nhà lâu lắm rồi”.

Tôi hỏi thế vì tôi đoán có lẽ người đàn ông đó đã xa nhà khoảng vài tuần, thậm chí cả tháng. Nhưng tôi đã sốc khi nhận được câu trả lời từ vợ anh: “Bố cháu mới đi công tác 2 ngày thôi cô ạ”. Tôi chỉ biết thốt lên: “Thật sự, em rất ngưỡng mộ anh chị. Ôi, ước gì vợ chồng em cũng được như anh chị”.

Bỗng nhiên người đàn ông đó nhìn thẳng vào mắt tôi và nói một điều mà tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp tôi thay đổi cả cuộc đời mình: “Đừng ước, hãy quyết định điều đó, em gái ạ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...