Hạnh phúc khi bản thân được chọn là nhân vật tiêu biểu

GD&TĐ - Được chọn là nhân vật tiêu biểu tại Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024, hai thầy giáo tại Quảng Bình vừa bất ngờ xen lẫn hạnh phúc.

Thầy Đỗ Đức Thuần trao tiền hỗ trợ cho gia đình có cháu bé bị bệnh u não tại làng Ho (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Thầy Đỗ Đức Thuần trao tiền hỗ trợ cho gia đình có cháu bé bị bệnh u não tại làng Ho (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

Cuốn nhật ký thiện nguyện của thầy Thuần

Vừa là tấm gương nhà giáo mẫu mực, thầy Đỗ Đức Thuần - giáo viên Trường THCS Liên Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) còn là tấm gương sáng về tinh thần thiện nguyện.

Thầy Thuần kể, đầu đông năm 2011, thấy những học trò nhỏ người Bru - Vân Kiều thiếu ăn, thiếu ấm, thầy mạnh dạn kết nối nhiều cá nhân, đoàn thiện nguyện trong và ngoài địa bàn.

Những chuyến xe đầy ắp hàng hóa từ Hà Nội mang theo quần áo ấm, khăn quàng cổ, giày dép… lần lượt đến với học sinh vùng khó. Đó cũng là cơ duyên để thầy bắt đầu hành trình thiện nguyện.

Mỗi chương trình, mỗi hoạt động giúp người đều được người thầy ghi chép cẩn thận trong cuốn nhật ký thiện nguyện. Việc đếm số lượng cảnh đời được thầy giúp đỡ trở nên khó khăn vì những trang viết ngày càng dày lên từng tuần, từng tháng.

hinh-2-1.jpg
Chuyến thiện nguyện giúp đỡ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

Thầy Thuần tâm sự: “Tôi ghi lại không phải để đòi nợ hay bắt người ta trả ơn. Đơn giản là ghi lại cho vui, lâu lâu đọc cho học sinh nghe, cho các em xem vài tấm ảnh. Tưởng đơn giản nhưng nó có sức lan tỏa cực kì lớn, góp phần bồi đắp các em về tình yêu, sự sẻ chia”.

Lật cuốn nhật ký, thầy Thuần nhớ lại, năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhóm của thầy nhận nấu ăn, đi chợ giúp đỡ bà con đang cách ly tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy).

Ngày nào cũng mang cơm, nhu yếu phẩm ra tiếp tế cho người dân trong khi bản thân chưa hề tiêm vắc-xin. Đêm về thay quần áo, tắm táp, xông kĩ mà vẫn sợ. Thế rồi, một ngày mới lại bắt đầu, thầy mong giúp được càng nhiều người càng tốt.

Với những đóng góp cho cộng đồng, năm 2023, thầy được Cộng đồng Tình nguyện Việt trao tặng giải thưởng “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2023”.

z6034258718831-394811b727e7356fde474b5c27393bc2.jpg
Thầy Thuần là giáo viên tận tâm trong công tác.

Qua lời kể của các thầy cô trong trường, chúng tôi biết tình yêu nghề, mến trò của thầy giáo lớn nhường nào. Tận tâm trong giảng dạy, thầy Thuần còn đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp cho học sinh của mình.

Trong công tác, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; giấy khen của Chủ tịch UBND huyện và nhiều danh hiệu khác…

Khát khao ‘thắp sáng con chữ’ cho học trò

Câu chuyện vừa làm xe ôm, tuyên truyền viên kiêm luôn vai trò giáo viên của thầy Hoàng Đức Hoà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Khi chúng tôi ghé thăm trường cũng là lúc thầy hì hục bưng bê gạch đá sửa lại trường học. Thầy Hòa chia sẻ bản thân thầy vừa bất ngờ và vô cùng vinh dự khi biết bản thân được chọn làm nhân vật tiêu biểu trong Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024.

z6034269234873-578297df2b57d27c492d29fb25d40f36.jpg
Hoàng Đức Hoà trong một chuyến đi thiện nguyện.

4 năm gắn bó với mái trường tại vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, thầy Hòa là người hiểu rất rõ về học sinh dân tộc thiểu số Ma Coong. Thấy các em khó khăn và thiếu thốn đủ bề, thầy đã quyết tâm cùng với các giáo viên bám trường, dạy dỗ, chăm lo cho trò nhỏ.

Hành trình học chữ của học sinh Trường PTDT nội trú huyện Bố Trạch khi ấy khó khăn gấp bội vì phụ huynh cho rằng “con hươu, con nai trong rừng còn sống được huống gì con người nên việc học là không cần thiết”. Làm công tác tư tưởng cho những người bố, người mẹ xong xuôi, thầy Hòa bắt đầu hành trình “bắt” trò lên lớp.

Nhớ lại chuyện cũ, thầy giáo kể, đều đặn mỗi ngày, thầy cô thay nhau đi tìm đón, vận động học sinh về trường. Đối với thầy, việc chạy xe 180-200km mỗi ngày đến từng nhà trong bản là hết sức bình thường.

hinh-3-1.jpg
Thầy Hòa chụp ảnh cùng những học sinh vùng khó tỉnh Quảng Bình trong chuyến thiện nguyện.

Trường học bây giờ khang trang, sạch đẹp với nhiều hạng mục đang được làm mới. Năm học 2024-2025, trường đón 269 học sinh nội trú, mọi hoạt động đã đi vào nề nếp.

“Học sinh và phụ huynh đã ý thức được rằng, học hành chính là con đường duy nhất giúp các em thoát nghèo. Thầy cô không phải tìm trò nữa, các em chủ động đến lớp và thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của trường. Đây là công lao của tập thể giáo viên, tôi chỉ góp một phần nhỏ trong đó”, thầy Hòa cho biết.

Với thầy Hoàng Đức Hoà, Đỗ Đức Thuần danh hiệu nhân vật tiêu biểu là nguồn động viên lớn. Đồng thời cũng là trách nhiệm để các thầy tiếp tục cống hiến, chăm lo, hết lòng vì học sinh vùng khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ