BS. Hiền khám, tư vấn cho bệnh nhân
12 năm gắn bó với nghề, BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội cùng các đồng nghiệp đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc sống.
Góp phần giúp hàng nghìn em bé chào đời
Giờ đây khi đã trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu “mát tay” hỗ trợ sinh sản cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, BS.. Lê Thị Thu Hiền vẫn cho rằng đây như một giấc mơ.
Ngày ra trường, chị chưa định hình về chuyên ngành hiếm muộn, vô sinh bởi lúc đó chuyên ngành này rất mới. Ước mơ của chị là sản khoa, trở thành người đỡ tay đón các sinh linh bé bỏng chào đời.
Và rồi duyên nghiệp đến khi chị thi tuyển về làm ở Phòng khám Nam học, hiếm muộn - tiền thân của BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Chị được BS. Vệ, người sáng lập bệnh viện chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của việc mang lại hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn trong lúc tuyển nhân viên.
Chính từ sự khơi gợi đó, chị Hiền quyết định theo nghiệp này. “Càng dấn thân lại càng thêm gắn bó và say mê với nghề. Mọi mệt mỏi, vất vả dường như tan biến khi có ai đó gọi điện hay nhắn tin “vợ em có bầu rồi” hay “em khỏi bệnh rồi”, BS. Hiền tâm sự.
Chia sẻ về những ca hiếm muộn, BS. Hiền cho hay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều yếu tố tác động như thực phẩm, không khí… và cả việc người phụ nữ thường kết hôn muộn, do vậy tỷ lệ hiếm muộn càng cao.
Theo BS. Hiền, cần phải nhân rộng hơn về việc bảo tồn khả năng sinh sản, trữ lạnh trứng, tinh trùng… Với chi phí lưu trữ chỉ 3 triệu đồng/năm với tinh trùng, 2,5 triệu đồng/năm với trứng, nhưng sẽ mang lại nhiều hơn cơ hội làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn bắt nguồn sau nay như điều trị ung thư, di chứng bệnh quai bị…
Theo chia sẻ của BS. Hiền, bản thân đã từng làm vợ, làm mẹ nên chị thêm thấu hiểu nỗi lòng của những cặp vợ chồng đến chữa hiếm muộn. Chị luôn ám ảnh bởi nỗi khát khao cháy bỏng “được bồng bế con” ánh lên trong mắt của mỗi cặp vợ chồng khi họ tìm đến chị. Đó chính là động lực để chị cùng các đồng nghiệp nỗ lực hơn trong chuyên môn, kỹ thuật.
Gắn bó với chuyên ngành Nam khoa và hiếm muộn 12 năm, một chặng đường đủ dài để BS. Hiền thấy mình thêm yêu và gắn bó với nghề.
Giai đoạn đầu, chủ yếu chị cùng đồng nghiệp tham gia tư vấn và làm các xét nghiệm, kỹ thuật đơn giản để hỗ trợ sinh sản. Chỉ từ năm 2010, viện chính thức triển khai kỹ thuật mới về thụ tinh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Dù mới chỉ 6 năm thực hiện thụ tinh nhân tạo, đã có gần 1 nghìn đứa trẻ được chào đời bằng phương pháp này. Và cũng từ đó, biết bao niềm vui, hạnh phúc được làm cha, làm mẹ của nhiều gia đình được nhân lên.
Trong câu chuyện của mình, chị Hiền vẫn đau đáu trong lòng về tỷ lệ không nhỏ những ca không thành công trong hỗ trợ sinh sản. Hiện tỷ lệ thành công chung mới chỉ đạt 60%.
“Khi bệnh nhân thực hiện thất bại, thương bệnh nhân tốn kém tiền bạc, nặng nề về tâm lý, mình cũng cảm thấy trăn trở. Mình cùng đồng nghiệp gắng tìm nguyên nhân tại sao lại thất bại, từ phía bệnh nhân hay chủ quan của bác sĩ, từ đó nỗ lực mọi cách tăng cơ hội cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thực hiện hỗ trợ sinh sản rất nhiều lần mà không đạt kết quả, cũng không thể tìm được nguyên nhân vì sao thất bại. Mỗi lần không thành công, bệnh nhân buồn một thì những người làm nghề chúng tôi còn buồn nhiều hơn”, BS. Hiền tâm sự.
Hạnh phúc không bao giờ muộn
Với BS. Hiền, suốt 12 năm làm nghề, chị ấn tượng nhất là câu chuyện có hậu của cặp vợ chồng T.V ở Nghệ An 20 năm hiếm muộn.
Khi đến với chị, họ đã xác định đây sẽ là lần đi tìm sự may mắn cuối cùng của cả chặng đường dài đằng đẵng 20 năm khao khát có con.
Trước đó, họ đã đi khám nhiều nơi, uống đủ các loại thuốc và đến khi gặp chị, họ đều đã lớn tuổi, trong đó, người chồng không có tinh trùng.
Trong chia sẻ của cặp vợ chồng T.V tại lễ kỷ niệm của BV mới đây, họ xúc động cho biết: “Khi gặp được BS. Hiền, chúng tôi xác định đây là chiếc phao cuối cùng. Và niềm hạnh phúc vô bờ bến đã đến sau lần thứ 2 thực hiện thụ tinh ống nghiệm . Vợ chồng tôi đã có 2 bé sinh đôi”.
Còn BS. Hiền cho biết, chị đã quá ấn tượng với sự khát khao, kiên trì của cặp vợ chồng hiếm muộn này. Vượt qua tất cả trở ngại từ miệng đời, thậm chí cả sự hắt hủi của gia đình, hai anh chị vẫn vững tin và họ đã thực hiện được ước mơ của mình.
Hay trường hợp một phụ nữ sinh con ở tuổi 58 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội mà chị cùng đồng nghiệp thực hiện.
Bệnh nhân này là một trong những phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công. Dù các bác sĩ đã khuyên không nên mang thai khi tuổi cao nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm có con.
“Trường hợp này đã mãn kinh được 2 năm và phải xin noãn để tiến hành thụ tinh. May mắn, dù lớn tuổi nhưng chị vẫn sinh được một bé trai kháu khỉnh nặng 3 kg. Hiện nay, bé trai này đã được gần 1 tuổi”, BS. Lê Thị Thu Hiền kể.