Nữ giáo viên tài hoa nơi cao nguyên xanh
Chi Trần Thị Hường – tác giả của ca khúc “Hạnh phúc của em” (1 trong số 30 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”) hiện đang là giáo viên dạy nhạc của Trường THCS Nguyễn Du, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Song song với công tác giảng dạy, chị Hường còn được biết đến là một nhạc sĩ có tiếng (với nghệ danh Trần Thu Hường) ở nơi cao nguyên xanh, với hàng loạt tác phẩm đoạt các giải cao, trong đó có các giải do Hội nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
Sinh ra xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình nghèo, có đông anh chị em. Ngay từ nhỏ, chị Hường đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc của mình.
Để nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc, hằng đêm chị lẽo đẽo đi theo cha đang làm kép nhí cho gánh hát bội địa phương đi tổ chức các chương trình văn nghệ giải trí, nhằm phục vụ và động viên bà con lao động sản xuất thời bấy giờ.
Với khát khao cháy bỏng là trở thành cô giáo, nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Hường quyết định ra Đà Nẵng thi và đã đậu thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng năm 1990.
Hè năm 1993, chị Hường tốt nghiệp chuyên ngành Nhạc - Văn và về lại quê hương công tác. Gắn bó với công việc dạy nhạc tại Trường Tiểu học Quế Châu (huyện Quế Sơn) được 1 năm, thì vào năm 1995 chị Hường theo chồng đến miền đất mới là huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng định cư và trở thành giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nguyễn Du. Cũng chính nhờ gắn bó với các em học trò vô tư, hồn nhiên trong học đường đã thành nguồn cảm hứng giúp chị Hường viết nên những ca khúc đầu tiên vào năm 2001.
Đây cũng là nguyên do trong số hàng chục tác phẩm mà chị Hường sáng tác có rất nhiều ca khúc viết về thiếu nhi, thầy cô và mái trường, như: Mùa hè của em, Ngôi trường thân thiện, Vầng trăng cánh võng, Bé chơi đàn, Tạm biệt trường ơi, Từ bục giảng yêu thương, Nhớ lời thầy…Đặc biệt, có ca khúc “Em yêu giờ học hát” được đưa vào SGK Tập bài hát 1 theo Chương trình GDPT 2018.
Cuối năm 2007, chị Hường được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, chuyên ngành âm nhạc. Sau 4 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, chị Hường đã được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam chuyên ngành sáng tác vào năm 2011 - trở thành nữ nhạc sĩ đầu tiên, duy nhất hiện nay của xứ sở vàng rực hoa dã quỳ và lãng mạn mimosa.
Vào năm 2012, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi Đàn hát piano toàn quốc, chị Hường đã giành được giải nhất ở nội dung hòa tấu. Say nghề, yêu trẻ, không ngừng sáng tạo, nhiều năm liền nhạc sĩ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Món quà tinh thần tri ân những người gùi chữ lên non
Với ca khúc “Hạnh phúc của em” vừa đạt giải tại cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” (do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức) chị Hường cho hay hoàn cảnh ra đời ca này cũng ngẫu hứng.
Đó là vào tháng 9/2020, sau khi xem các clip phóng sự nói về các thầy cô giáo ở vùng cao vượt hàng trăm cây số, với đường núi hiểm trở để đến các điểm trường nằm cheo leo để gieo chữ. Nhiều người đã hy sinh tuổi thanh xuân, sức trẻ, chấp nhận rời bỏ phố thị náo nhiệt, xa người thân chỉ vì mong ước trẻ em vùng cao có tương lai tương sáng.
“Dẫu khó khăn, vất vả đến vậy nhưng các thầy cô giáo vẫn luôn vui tươi, yêu đời. Với họ hạnh phúc thật giản đơn, đó có thể là ánh mắt hồn nhiên của đám trẻ, là tiếng đọc bài bi bô, hay là những bông hoa dại ven rừng được các em học sinh hái tặng… Mạch nguồn xúc cảm đó đã thôi thúc mình viết nên ca khúc “Hạnh phúc của em” chỉ trong thời gian 3 ngày.
Sau khi bài hát này ra đời đăng trên YouTube đã nhận được hiệu ứng tích cực từ khán thính giả. Với tính chất giai điệu của ca khúc này mang âm hưởng dân ca vùng núi phía Bắc nên đã có rất nhiều giáo viên đang công tác ở ngoài này liên hệ để lấy ca khúc trình diễn trong các chương trình văn nghệ, khiến bản thân một nhạc sĩ như mình rất vui, Đây cũng chính là món quà tinh thần mình muốn dành tặng để tri ân những người giáo viên miệt mài gùi chữ lên non”, chị Hường tâm sự.
Cũng theo chị Hường cho biết, là một nhạc sĩ, lại công tác trong trường học nên các ca khúc về thiếu nhi, giáo viên, trường lớp luôn được bản thân ưu tiên. Khi hay tin có cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” chị đã rất mừng, vì đó là cơ hội để tôn vinh về nghề, về nơi mình gắn bó.