Sáng sớm, căn phòng trên gác ba ở phố Trần Quốc Toản (Hà Nội) đã có tiếng lạch cạch. Vợ chồng bà Đinh Thị Hường (56 tuổi) và ông Nguyễn Bình Minh (66 tuổi) đều không thể ngủ thêm được, phần vì đã đến tuổi già, phần vì lo dậy chuẩn bị đồ ăn sáng, cặp sách cho hai con gái sinh đôi, nay gần 3 tuổi.
Sau giờ ăn sáng, đôi vợ chồng cùng nhau mỗi người dắt một bé sang bên kia đường cho đi lớp. "Trước đây có hôm bà ấy bận, mình tôi dắt hai con đi. Nhưng đến cổng thì bé Nga tinh nghịch bỏ chạy, tôi không kịp phản ứng. Trường mẫu giáo ở mặt đường, chỉ sợ xe qua lại", ông Minh chia sẻ. Từ đấy dù bận thế nào, vợ chồng ông cũng ưu tiên cùng đưa đón con đến trường.
Video: Cặp vợ chồng già hạnh phúc bên hai bé sinh đôi hoạt bát
Mấy năm nay, hình ảnh đôi vợ chồng già cùng hai bé gái sinh đôi đã trở nên quen thuộc với người dân ở phố này. Nhưng nếu sang phố khác là ai cũng tò mò.
Bà Hường cười kể: "Thời tôi đang mang bầu, mỗi lần đi chợ người ta đều nhìn chằm chằm. Có người hỏi: "Chị cũng phải đến 35 rồi đó nhỉ". Tôi đáp: "Cũng hơn chút"!"
Đến thời sinh hai bé, mỗi lúc bà đẩy con đi chơi, người ta đều hỏi: "Bà làm osin cho nhà ai thế?". Khi có chồng đi cùng, họ lại hỏi: "Cháu nội hay cháu ngoại?". Để ít bị chú ý, hai vợ chồng đều phải trả lời tránh đi.
Bà Hường kết hôn với ông Minh 10 năm trước, khi đó bà đang là phó chủ nhiệm khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện Hà Đông, Hà Nội), còn ông Minh là kỹ sư ôtô vừa nghỉ hưu.
Những năm tuổi trẻ, bà Hường có nhiều mối đến hỏi nhưng người ưng thì mẹ lại không ưng hoặc ngược lại. Bận bịu công việc, ngày tháng cũng qua nhanh, vốn bà đã nghĩ sẽ ở vậy chăm mẹ già. Nhân duyên chợt đến vào năm 2006, khi bà được làm mối với ông Minh, lúc đã 46 tuổi. Hai bên gia đình hết sức vun vào. Mẹ bà Hường cũng ưng chàng rể này vì "xuất thân trong gia đình cách mạng".
Còn bà Hường, khi đó mủi lòng trước hoàn cảnh người đàn ông có vợ đi xuất khẩu lao động rồi lấy luôn chồng nước ngoài. Suốt mấy chục năm ông ở vậy gà trống nuôi con trưởng thành, lập gia đình. "Nhận lời lấy anh ấy rồi tôi mới nhận ra mình sẽ cưới một người từng có vợ. Thật tình trong đầu tôi chưa bao giờ mình sẽ lấy người như vậy cả", bà Hường kể.
Người ngoài khó mà phân biệt hai cô bé lí lắcTố Nga (phải)và Kim Ngân, hiện gần 3 tuổi.Ảnh:Phan Dương. |
Cưới về, nữ bác sĩ này vẫn "hồn nhiên" như đa phần con gái mới gả chồng khác là sẽ sớm có con. Nhưng rồi một năm, hai năm đến ba năm trôi qua vẫn không thấy gì, vợ chồng bà mới động viên nhau đi khám. Đi đến đâu người ta cũng nhìn hai người với ánh mắt tò mò, chế giễu. Người không biết thì hỏi "Đưa con dâu hay con gái đi khám?". Người biết thì lạnh lùng: "Vợ chồng bà bị loại từ vòng gửi xe".
Nỗi chạnh lòng đó không vùi được khát khao có con của họ. Khám về, bà Hường mới biết mình có một nhân xơ to 5,6 cm trong tử cung, có thể gây nguy hiểm nếu có thai. Là bác sĩ, dù không phải chuyên khoa nhưng bàtự tìm hiểu chữa trị cho mình. Suốt ba năm ròng bà kiên trì uống thuốc đông y, kết hợp với thực phẩm chức năng. Đến năm 2012, nhân xơ này đã nhỏ xuống còn 2,4 cm. Bà lại tiếp tục tìm đến các loại thuốc từ cây cỏ để bổ cơ thể.
"Có lần vợ chồng tôi đi Hà Nam uống thuốc. Trong khoảng 20 ngày ở đây điều trị, chúng tôi được ăn uống điều độ, cũng không phải lo nghĩ gì. Uống thuốc xong là đèo nhau đi tham quan. Đó là khoảng thời gian vui vẻ, nhàn tản nhất", bà nhớ lại.
Ở tuổi 53 bà Hường đã có những dấu hiệu tiền mãn kinh. Việc có con không thể chậm trễ được nữa. Đôi vợ chồng đến một bệnh viện, các bác sĩ khuyên nên uống thuốc một thời gian nữa để điều chỉnh cơ thể, song trước quyết tâm của bà, họ đã đồng ý làm thụ tinh nhân tạo luôn. Rất may quá trình diễn ra suôn sẻ. Bà Hường biết mình có thai đôi khi nhìn thấy chỉ số nội tiết tố hCG rất cao.
"Lúc chắc mình có thai rồi tôi sung sướng như ở trên mây. Chồng thì nắm tay bóp mạnh mãi không thả. 7 năm ở bên nhau lần đầu tiên thấy anh ấy vui sướng như vậy", bà Hường hạnh phúc kể.
Bà mang thai đúng vào thời điểm được giao trọng trách phát triển khoa Nội thận - Tiết niệu. Vừa đảm nhiệm việc quản lý, vừa lo chuyên môn nên bà vô cùng bận bịu, không hề được nghỉ ngơi hay tẩm bổ như người khác. Tuy vậy bà ăn rất tốt.
Mang thai đôi ở tuổi đã cao, lại có nhân xơ tử cung, bà Hường từng chồng chất nỗi lo về con dị tật hay chậm phát triển...,nhưng hai bé gái chào đờikháu khỉnh và hoạt bát đã mang đến niềm vui vô bờ cho vợ chồng bà. Ảnh:Phan Dương. |
Niềm vui của đôi vợ chồng già ngày một nhân lên cùng những tin tốt đẹp của thai kỳ. Đến tháng 11/2013, bà Hường đã sinh hai bé gái, bé lớn được đặt tên Tố Nga (nặng 3 kg), bé nhỏ tên Kim Ngân (2,5 kg).
Tuy là bác sĩ nhưng lần đầu sinh con, bà Hường cũng không khỏi bỡ ngỡ. Có những lần con khóc, con quấy bà cũng không rõ lý do hoặc biết cách dỗ dành. Bà cũng mắc những sai lầm như bao người mẹ khác. "Sinh xong được hơn chục ngày, tôi thấy mình vẫn bị nhiễm khuẩn tiết niệu nên dùng thêm kháng sinh. Sau đó, lượng sữa ít dần, thành thử hai con chỉ bú được đến tháng thứ 6. Nghĩ lại tôi cứ tự trách mãi", người mẹ kể.
Từ lúc dùng sữa công thức, hai bé liên tục bị lên chàm trên mặt mà không rõ lý do. Về sau đổi qua nhiều loại sữa, bà Hường mới biết các con bị dị ứng với thành phần protein trong sữa.
Trưa cuối hạ, bữa cơm của đôi vợ chồng già với hai con diễn ra trong hối hả để kịp về quê thăm bà ngoại. Hai cô bé mắt đen láy, tự rút xương cá ăn ngon lành dù không được nhiều. Bà Hường bảo "Trộm vía, những hôm không mệt thì hai đứa ăn khá ngoan, chứ hôm ốm hai vợ chồng cũng phải đánh vật, bế đi rong cả tiếng mới được vài thìa đấy".
Còn ông Minh chia sẻ thêm, dù từng làm bố rồi nhưng lần này ông vẫn thấy mới mẻ như lần đầu, "mỗi lúc con khóc đêm hay ọc ẹ là tim tôi run bần bật, đầu căng như dây đàn".
Hết thời gian thai sản vợ đi làm lại, hầu như việc chăm con đều một tay ông làm. Người đàn ông lục tuần tập quấy bột, pha sữa, xi tè cho con. Hết giờ làm, bà Hường cũng hối hả về nhà. Tuy vất vả nhưng nhìn thấy con lớn lên từng ngày, xinh xắn và nhanh nhẹn là mọi mệt mỏi trong họ đều tan biến.
Có con ở tuổi xế chiều, đi đâu đôi vợ chồng nàycũng bị nhầm là ông bà chămcháu. Ảnh:NVCC. |
Hiện tại, ông Minh mở một cửa hàng sửa xe, kiếm đồng ra đồng vào. Bà Hường tuy đã nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn đi làm cộng tác với các bệnh viện. Bà đang định sẽ đi học thêm để mở một phòng siêu âm.
"Cả tôi và anh ấy đều xác định sẽ nuôi dạy hai con tự lập từ nhỏ, để chẳng may đến lúc không có chúng tôi ở bên thì hai đứa cũng có thể sống tốt được", bà tâm sự.
Giữa trưa, căn gác ba ngôi nhà ấy vẫn vang vọng tiếng cười, tiếng khóc hồn nhiên của hai đứa trẻ. Và thảng hoặc là nét hạnh phúc rạng ngời trênkhuôn mặt đầy nếp nhăn và mái tóc lấm bạc của cha mẹ các bé.