Hành lang Zangezur có thể châm ngòi xung đột mới Armenia và Azerbaijan

GD&TĐ - Sự xuất hiện của Hành lang Zangezur cho thấy tính tất yếu của tình hình sắp tới giữa hai quốc gia có tranh chấp lịch sử là Armenia và Azerbaijan.

Hành lang Zangezur có thể châm ngòi xung đột mới Armenia và Azerbaijan

Cuộc đối đầu vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan năm 2020 và 2023 không kết thúc bằng việc giải quyết thấu đáo các vấn đề về lãnh thổ nên giữa hai nước vẫn tiềm tàng nguy cơ xung đột quân sự để giải quyết các vấn đề tranh chấp mang tính lịch sử.

Vùng Nakhichevan của Azerbaijan hiện nay bị ngăn cách với phần còn lại của đất nước bởi vùng Syunik của Armenia và liên kết giao thông đến khu vực này rất khó khăn. Điều đó dẫn đến việc chính quyền Baku không hài lòng với tình hình hiện tại và nỗ lực thay đổi nó.

Không muốn để vùng lãnh thổ của mình bị cô lập trong lòng Armenia, chính quyền Azerbaijan đang xúc tiến dự án xây dựng “Hành lang Zangezur” (Zangezur Corridor), nối Nakhichevan với lãnh thổ đất nước mình.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hành lang này nằm ngoài vùng kiểm soát của Armenia, dẫn đến việc Yerevan cho rằng, việc Baku thực hiện dự án “Zangezur Corridor” đi ngược lại lợi ích của Armenia.

Công nhân đang thi công đường hầm trong dự án Zangezur Corridor
Công nhân đang thi công đường hầm trong dự án Zangezur Corridor

Những vấn đề chưa được giải quyết giữa hai quốc gia có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quy mô lớn mới. Đồng thời, tình hình có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài quan trọng.

Một yếu tố nội tại ảnh hưởng đến tình hình nằm ở cuộc khủng hoảng chính trị ở Armenia gắn liền với những thất bại quân sự. Sự yếu kém của lực lượng vũ trang Armenia so với đối thủ Azerbaijan cũng đóng một vai trò quan trọng khiến Baku có thể mạnh dạn đưa ra những quyết định cứng rắn.

Trong khi đó, đất nước Azerbaijan đang ở đỉnh cao sức mạnh quân sự, thế lực của Tổng thống Ilham Aliyev ổn định và uy quyền nhờ những chiến thắng ở Nagorno-Karabakh, dẫn đến việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Azerbaijan thứ 5 liên tiếp trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 7/2 vừa qua.

Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất bên ngoài là cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa Nga với Ukraine.

Theo các chuyên gia, Nga đang bị phân tâm bởi các mục tiêu của chiến dịch đặc biệt và Moscow không đủ khả năng để thực hiện quá nhiều việc cùng lúc.

Vừa qua, Armenia cũng đã thể hiện sự thất vọng đối với Nga về các vấn đề liên quan đến Nagorno-Karabakh, dẫn đến việc Yerevan quyết định đình chỉ việc tham gia liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và quay sang mua vũ khí, trang bị của Pháp.

Việc các loại radar cảnh giới đường không và tên lửa Mistral (Pháp) đã được gửi đến Yerevan cho thấy quá trình cải thiện thực lực quân sự của Armenia đang được đẩy mạnh, điều này có thể là động lực thúc đẩy Baku cấp tốc khơi mào cuộc xung đột, vì lo sợ tương lai Armenia sẽ mạnh lên.

Trong khi đó, Quân đội Azerbaijan đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn gần biên giới với Armenia. Tất cả những yếu tố trên đều có cơ sở nguy cơ cho việc nước này khởi phát một cuộc chiến mới trong tương lai gần.

Một lực lượng thứ ba có liên quan đến vấn đề này là Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, những nước này đang bận rộn hỗ trợ Kiev tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cũng như giúp đỡ Israel trong cuộc đối đầu với Hamas.

Vì lý do này, Liên minh Bắc Đại Tây Dương cũng không thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định của Yerevan và Baku.

Việc nguy cơ xung đột giữa hai nước này không được bất cứ cường quốc nào lưu ý ngăn chặn khiến nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì những sai lầm của hai bên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.