Làm bố, ai mà chẳng mong con mình nên người và thành tài. Song vì không muốn con phải sống khổ, thua bạn thua bè nên các ông bố lao vào dòng đời ngược xuôi kiếm tiền. Thời gian của bố được phân chia phần lớn cho công việc, đối tác, rồi bạn bè.
Và con - người mà bố yêu thương nhất lại bị xếp sau tất cả những thứ kia. Để rồi, trong nỗi khao khát được chơi cùng bố, một người con đã xin mua một giờ làm việc của bố.
"Con muốn mua 1 giờ làm việc của bố!"
Câu chuyện này kể về một người đàn ông rất thành đạt. Anh kiếm được rất nhiều tiền, cho vợ con ăn sung mặc sướng, một bước lên xe hơi. Vì thế, ở trong nhà không thiếu bất kỳ thứ gì, trừ thời gian bố và con cùng ăn cơm tối.
Một tối nọ, người bố đang làm việc trong phòng thì con trai anh đến và hỏi: "Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu không ạ?". Ông bố chắc mẩm là con lại muốn xin xỏ thứ gì đó nên liền đồng ý. Người con hỏi: "Một giờ làm việc của bố được trả bao nhiêu tiền?". Ông bố tỏ vẻ hơi bực mình: "Đó không phải là việc của con. Tại sao con lại hỏi như vậy?" – "Con chỉ muốn biết thôi. Bố hãy cho con biết bố được trả bao nhiều tiền 1 giờ làm việc?". Ông bố bèn trả lời cho qua chuyện rằng mình kiếm được 50 đô la/giờ.
Cậu bé vui vẻ khi nhận câu trả lời của bố nhưng lại cúi đầu xuống tính nhẩm gì đó. Đột nhiên, "bố cho con mượn 30 đô được không ạ?", người con hỏi. Bây giờ, thì ông bố đã không còn giữ được bình tĩnh nữa, anh giận dữ quát to: "Hôm nay con bị làm sao vậy? Lúc thì hỏi tiền lương của bố. Lúc thì hỏi mượn tiền bố. Có phải con lại định mua đồ chơi vớ vẩn gì nữa không? Con có biết bố đi làm vất vả lắm không mà con lại phung phí như vậy? Đi về phòng ngủ ngay".
Người con lặng lẽ đi về phòng và đóng cửa lại. Vẫn giữ tâm trạng tức giận, người bố ngồi xuống suy nghĩ: "Làm thế nào mà con dám hỏi mình những câu hỏi như vậy? Con cần tiền để làm gì chứ?".
Khoảng một giờ đồng hồ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông bố này quyết định đến phòng của con để hỏi rõ về mục đích mượn tiền khi nãy. "Con ngủ chưa?", anh hỏi. "Dạ chưa ạ", bé trai nhanh nhảu trả lời.
Ngồi xuống giường của con, anh nói: "Xin lỗi con, lúc nãy bố đã lớn tiếng với con. Ngày hôm nay là một ngày dài đối với bố. Bố rất mệt. Đây là 30 đô la, bố cho con mượn".
Người con trai ngay lập tức ngồi thẳng dậy reo lên mừng rỡ: "Con cảm ơn bố". Sau đó, cậu bé liền với lấy cái gối và lôi ra từ trong vỏ gối một đống tiền lẻ. "Lại tiền", ông bố nghĩ và bắt đầu tức giận. Anh cằn nhằn hỏi con: "Tại sao con lại mượn tiền của bố trong khi con có tiền?".
Người con nhìn bố đáp: "Vì con không có đủ tiền, nhưng bây giờ thì con đã đủ rồi. Đây là 50 đô la. Con muốn mua 1 giờ làm việc của bố. Vậy tối mai bố hãy về nhà sớm hơn một giờ nhé. Con muốn ăn tối cùng bố". Ông bố như chết lặng sau câu nói của con.
Trong cuộc sống, có rất nhiều ông bố cho rằng việc nuôi dạy con là trách nhiệm của vợ, còn việc của mình là kiếm tiền nuôi gia đình. Do đó, con ốm hay khỏe, con ngoan hay hư, con học lớp mấy… cái gì bố cũng không biết.
1. Người bố vô tâm
Ông bố vô tâm thuộc tuýp người không bao giờ ngó ngàng tới con. Họ không biết con học lớp mấy, trường nào, con thích ăn gì, bạn bè con ra sao. Không những thế, ông bố này còn không quan tâm đến cảm xúc của con, luôn xem con là "đứa trẻ ranh".
Có một người bố như thế này, trẻ thường mang trong lòng tâm lý tự ti vì con không biết lợi thế của mình ở đâu, năng lực của mình đến mức nào. Thêm vào đó, các bé gái thường sẽ có tâm lý yêu sớm để tìm những cảm xúc ấm áp, yêu thương mà con đang không nhận được từ bố.
2. Người bố nóng nảy
Nóng nảy là chỉ tính cách của một ông bố không biết kiểm soát cảm của chính mình, và thường dồn những cảm xúc tiêu cực lên con cái thông qua lời nói và hành động.
Sống trong một gia đình có bố nóng nảy, con trai sẽ dần nóng nảy theo. Ngược lại, bé gái sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, luôn cố thu mình lại để đừng ai chú ý đến. Tệ hại hơn nữa là khi lỡ yêu phải một người nóng nảy, cô gái sẽ rơi vào trạng thái phân vân không biết nên giữ hay buông.
3. Người bố độc đoán
Trên thực tế, có nhiều ông bố tin rằng sống thay con là điều tốt nhất dành cho trẻ. Nên họ tự cho mình quyền quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến con, và ép buộc con phải nghe theo.
Từ chuyện học hành, chơi môn thể thao nào, cho đến chuyện bạn bè, chọn trường chọn ngành, rồi công việc, thậm chí là cả chuyện vợ con. Tất cả mọi quyết định của con dù lớn hay nhỏ cũng đều phải thông qua ý của bố.
Những việc làm này của bố khiến con: một là nghe lời và trở thành người không có chính kiến, không thể tự ra quyết định và không biết phải làm gì nếu không có ai chỉ dẫn. Hai là con sẽ nổi lên chống đối cãi bướng với bố mẹ, thậm chí là bỏ nhà ra đi vì bất đồng quan điểm.
4. Người bố nuông chiều con
Khác với 3 kiểu ông bố ở trên, người làm bố này có xu hướng xem con mình là nhất, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Do đó, đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành người ích kỷ, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, luôn đòi hỏi người khác phải chiều theo ý của mình.
Tính cách này khiến con khó có thể thành công vì không ai muốn hợp tác với người như vậy cả.
5. Người bố đặt kỳ vọng cao ở con
Bất kỳ bố mẹ nào cũng đều mong con mình thành đạt. Vì vậy, họ luôn yêu cầu khắt khe và đặt kỳ vọng cực kỳ cao ở con. Ở một bối cảnh khác, có thể bố đã từng thất bại trong một việc gì đó nên bây giờ bố muốn con thực hiện ước mơ thay bố mà không quan tâm xem con có đủ khả năng thực hiện hay không.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người bố như thế này thường nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, vì cho rằng bản thân mình vô dụng, bất tài.
Nói tóm lại, làm cha mẹ là công việc khó khăn, đặc biệt là đối với các ông bố. Nhưng dù có bận rộn công việc đến thế nào thì bố vẫn nên dành thời gian trò chuyện với con. Để hiểu con đang như thế nào, năng lực và ước mơ của con ra sao. Và bố hãy để con được tự do đi trên con đường mà con đã chọn.