Tuy nhiên để số lượng người Việt dùng hàng Việt tăng bền vững và ngày càng thu hút phần lớn người Việt thì yếu tố chất lượng của hàng Việt mới mang tính quyết định.
Hài lòng với hàng Việt
Bà N. T. Thanh 68 tuổi (Chùa Bộc – Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Đã từng sử dụng nhiều mặt hàng của một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc được bày bán trôi nổi từ chợ đến cửa hàng siêu thị. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng nhận thấy hàng Việt vẫn phù hợp và yên tâm cả về chất lượng lẫn giá cả.
Kinh nghiệm mua hàng của mình bà Thanh chia sẻ: Tâm lý sợ mua hàng Trung Quốc của người Việt khá phổ biến trên nhiều mặt hàng bởi chất lượng thực sự không bằng hàng Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ khó kiểm soát… dù mẫu mã có đẹp hơn. Hàng Việt tuy chưa hoàn bắt mắt tối đa về mẫu mã nhưng chất lượng luôn đáng tin cậy.
Chính vì vậy nhiều người sử dụng khi đứng trước sự lựa chọn mua một mặt hàng nào đó trừ khi Việt Nam không sản xuất được, hoặc giá cả chung loại tương đương hàng nhập ngoại mà chất lượng kém hơn thì mới mua hàng ngoại.
Anh Trung Kiên (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Gia đình đang hoàn thiện nội thất ngôi nhà 3 tầng nhưng từ khi xây dựng gia đình anh đã chủ động lựa chọn hầu hết vật liệu xây dựng, đồ nội ngoại thất cho nhà xây của mình là hàng Việt Nam, một số lượng nhỏ chọn là hàng sản xuất tại Hàn Quốc, châu Âu. Còn hàng kém chất lượng, nhất là hàng Trung Quốc dù giá có hạ hơn chút ít nhưng anh cương quyết loại bỏ dù được những người bán hàng giới thiệu nhiệt tình.
Từ thị trường mua sắm chung cho thấy, không ít người bán hàng vì lợi nhuận mà sẵn sàng đánh lừa khách hàng với nhiều hình thức. Phổ biến nhất là cách bán hàng Trung Quốc chất lượng kém lại nói hàng của một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và không từ cả việc gắn mác hàng ngoại nhập có xuất xứ châu Âu, Mỹ...
Đặc biệt, ở thị trường nông sản, trái cây, rau quả… nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hàng Việt Nam chất lượng nhưng người bán hàng vì lợi nhuận đã nói dối nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Sự gian dối từ người cung cấp sản phẩm đã khiến nhiều người mua hàng cảm thấy hoang mang, mất niềm tin. Thậm chí người Việt khi muốn mua hàng Việt chất lượng lại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, khả năng nhận biết sản phẩm của chính bản thân mình.
Bác Thanh cho biết: “Tôi ủng hộ người Việt dùng hàng Việt. Bản thân tôi cảm thấy tin tưởng và yên tâm khi sử dụng hàng Việt. Hàng Việt Nam giờ đây chất lượng mẫu mã không thua kém thậm chí nhiều mặt hàng chất lượng còn tốt hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn hàng ngoại.
Chất lượng tốt như vậy, thì sự yên tâm khi sử dụng là đương nhiên và tôi tin không chỉ tôi mà đa số người Việt sẽ ưu tiên lựa chọn, sử dụng tất cả hàng Việt Nam sản xuất…”.
Chất lượng mang yếu tố quyết định
Để người Việt dùng hàng Việt, Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020” do Chính phủ phê duyệt có mục tiêu: Đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%;
Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Còn các chuyên gia kinh tế nhận định, khi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên để người Việt dùng hàng Việt thì bản thân những nhà sản xuất không thể chỉ dựa vào sự hô hào, những khẩu hiệu kêu gọi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sản xuất… Cần tạo ra cho người dân thói quen tiêu dùng hàng Việt và hành động yêu nước một cách có chiều sâu sự bền bỉ… bằng giải pháp thiết thực nhất đó là hàng hóa chất lượng.
Mặt khác, nếu các doanh nghiệp Việt đặt chất lượng lên hàng đầu, cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ uy tín với khách hàng đồng thời xây dựng thương hiệu mạnh thì không cần kêu gọi người tiêu dùng cũng vẫn ủng hộ và đứng về phía hàng Việt. Để Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì bản thân các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần có trách nhiệm với khách hàng.
Các doanh nghiệp phải xác định mình là người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt từ đó phải chủ động chuyển đổi nền sản xuất, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa. Khâu xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông, giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm để củng cố lòng tin của khách hàng với nhà sản xuất cũng cần được coi trọng và đẩy mạnh.
Không ít doanh nghiệp trẻ khi nói về vấn đề người Việt dùng hàng Việt đã đưa ra kinh nghiệm riêng của đơn vị mình. Người cho rằng, bên cạnh việc sản xuất sẽ chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu mạnh và không bỏ lỡ kênh phân phối từ truyền thống đó là chợ đến hiện đại là siêu thị. Thương hiệu ngày càng được người tiêu dùng Việt quan tâm nhưng không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng đầu tư đúng mức cho yếu tố cần thiết này.
Cũng không ít ý kiến cũng chỉ ra, để kích cầu tiêu dùng hàng Việt từ chính thị trường nội địa thì doanh nghiệp cần chú trọng đến yếu tố văn hóa kinh doanh. Văn hóa ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng và chiếm một ưu thế đặc biệt trong việc kích cầu tiêu dùng.n