Hàng triệu lao động ngành bán lẻ chưa qua đào tạo

GD&TĐ - Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chỉ có 32% doanh nghiệp (DN) được hỏi hài lòng về năng lực làm việc của người lao động trong lĩnh vực bán lẻ. Có tới 40% DN cho rằng có vấn đề lớn hoặc tương đối lớn và 27% thì nói có chút vấn đề đối với năng lực của người lao động. 

Hàng triệu lao động ngành bán lẻ chưa qua đào tạo

Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm tham vấn: “Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt nam trong bối cảnh hội nhập TTP và EVFTA” do VCCI phối hợp với Quỹ Châu Á, Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam (AVR) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thiếu chuyên nghiệp

Có thể nói, lao động trong lĩnh vực bán lẻ không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, thậm chí trong một số trường hợp là rất đơn giản. Tuy nhiên, kết quả khảo sát nói trên đã đặt ra một câu hỏi lớn không chỉ về năng lực, tính chuyên nghiệp của người lao động trong lĩnh vực bán lẻ mà còn về chiến lược đào tạo và quản lý người lao động của DN bán lẻ vẫn còn rất kém.

Báo cáo tổng quan của ngành bán lẻ hiện nay cho thấy, bán lẻ thuộc nhóm 6 ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có khoảng gần 2 triệu hộ kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, thu hút khoảng 3 triệu lao động. Tuy nhiên, những lao động này đều chưa qua đào tạo về nghiệp vụ bán lẻ. Cũng theo báo cáo này, năng lực quản lý lao động và đánh giá hiệu quả lao động trong các DN nội cũng rất hạn chế. Có tới 34% DN được hỏi trả lời mình đang gặp khó khăn hoặc rất khó khăn trong các hoạt động này.

Trong khi chờ đợi có một mô hình đào tạo bài bản, một số DN đã bắt đầu tìm đến các nhà đầu tư ngoại với kỳ vọng vào sự chuyển giao công nghệ. Điển hình có thể kể đến là Siêu thị Fivimart. Chuỗi siêu thị này đã chuyển nhượng 30% cổ phần cho nhà bán lẻ Nhật Bản – Aeon vào đầu năm 2015.

Theo đại diện Fivimart mặc dù phía Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ vốn chủ đạo trong DN, tuy nhiên, DN đang đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà đầu tư ngoại. Bởi hiện các lao động trong lĩnh vực bán lẻ thường có tâm lý không ổn định, phần lớn họ chỉ coi đây là một công việc mang tính tạm thời để tìm cơ hội cho công việc khác. Do đó, hiệu suất lao động khá thấp. Bởi vậy các siêu thị trong nước đang rất cần có những lao động chuyên nghiệp và coi đây là một nghề gắn bó lâu dài...

DN vẫn mơ hồ về hội nhập

Những thống kê gần đây cho thấy, mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam (trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán hàng online...) chiếm khoảng 25 – 30% thị phần bán lẻ. Như vậy, 70 – 75% thị phần vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ dân sinh, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa…

Xu hướng phát triển chung của các quốc gia phát triển như Singapore hay EU thì mô hình bán lẻ hiện đại thường chiếm từ 80 – 90%. Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu đến 2020 mô hình bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, hiện chợ truyền thống tại các làng quê Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc và rất khó để chuyển đổi. Bởi nếu chuyển đổi mô hình hiện đại thì chỉ có thể ở các thành phố, khu đô thị.

Tuy nhiên, theo đại diện của VCCI, điều đáng quan tâm hiện nay chính là ngành bán lẻ sẽ phát triển thế nào để hỗ trợ sản xuất trong nước và mang lại cuộc sống ổn định của người lao động chứ không phải vấn đề là chuyển đổi sang mô hình nào. Mặc dù, Việt Nam đã tham gia WTO gần 10 năm. Tuy nhiên, hiện nay, có tới 40% DN bán lẻ vẫn trả lời không hiểu và rất mơ hồ về những lợi thế từ các cam kết quốc tế…

Ngược lại, khi được hỏi hầu hết các DN đều khá lạc quan về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi chúng ta chính thức tham gia các cam kết mở cửa. 80 – 90% DN cho rằng họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các cam kết hội nhập. Với lợi thế hiểu rõ tâm lý khách hàng của DN nội, 40 – 50% cho rằng, họ có thể cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu lớn trên thế giới.

Không ít DN thừa nhận khu vực DN FDI có nhiều lợi thế về vốn, trình độ quản trị. 68,25% DN cho rằng, với tiềm lực tài chính hùng mạnh, DN FDI sẽ thuê hết địa điểm đẹp. 93,65% cho rằng, DN FDI sẽ tuyển hết những lao động có chất lượng cao của DN nội. 94% DN cho rằng, DN FDI sẽ thu hút khách hàng của DN nội.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành cảnh báo, nếu chỉ với lợi thế về hiểu rõ hơn tâm lý khách hàng thì quả là khá mong manh. Bởi các DN đều biết rằng, DN FDI cũng có thể thuê lao động Việt Nam để hiểu tâm lý khách hàng. Do vậy, việc biết đầy đủ và kỹ càng những thách thức là điều mà các DN bản lẻ nội phải thật sự chủ động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ