Hàng triệu học sinh ở Anh không được dạy ngoại ngữ trong các khóa học

GD&TĐ - Theo Hội đồng Anh (British Council), hàng triệu trẻ em đã không nhận được bất kỳ khóa học ngoại ngữ nào trong thời gian phong tỏa ở Anh.

Chính phủ có thể sẽ không đạt được mục tiêu ¾ số học sinh tham gia chương trình GCSE ngoại ngữ vào năm 2022. (Ảnh: Alamy).
Chính phủ có thể sẽ không đạt được mục tiêu ¾ số học sinh tham gia chương trình GCSE ngoại ngữ vào năm 2022. (Ảnh: Alamy).

Cuộc khảo sát hàng năm của Hội đồng Anh đối với các trường tiểu học và trung học tiếng Anh cho thấy, hơn một nửa số học sinh tiểu học và 40% học sinh cấp hai không học ngôn ngữ nào trong đợt phong tỏa đầu tiên. Và trong thời gian tháng 1 và tháng 2/2021, 20% số học sinh không được học ngoại ngữ.

Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao) của học sinh. Theo báo cáo, chính phủ có thể sẽ không đạt được mục tiêu ¾ số học sinh tham gia chương trình GCSE ngoại ngữ vào năm 2022 nếu xu hướng này vẫn tiếp tục.

Anh mong muốn 75% học sinh theo học ngoại ngữ GCSE vào năm 2022 và 90% vào năm 2025. Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố vào ngày 7/7, chỉ có 53% học sinh lớp 10 đang theo học GCSE ngoại ngữ vào năm 2020.

Julie McCulloch thuộc Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và đại học cho biết: “Báo cáo này cho thấy mức độ tham gia vốn đã kém của học sinh học ngoại ngữ đã bị xói mòn thêm bởi đại dịch và các vấn đề xung quanh Brexit. Việc tiếp thu ngôn ngữ kém khiến cho các mục tiêu của chính phủ là hoàn toàn phi thực tế. Trong khi 100% học sinh thi môn tiếng Anh, toán và khoa học, chỉ một nửa trong số đó thi môn ngoại ngữ".

Tại các trường học ở Anh, tỷ lệ đầu vào cho các kỳ thi GCSE ngoại ngữ đã giảm 41% kể từ năm 2003.

Báo cáo cũng cho thấy rằng vào thời điểm học sinh lên lớp 9, có tới 20% trường học không học ngoại ngữ. “Ngày càng ít học sinh lớn hơn 13 tuổi được dạy ngoại ngữ.  Kỹ năng ngoại ngữ ngay cả ở mức cơ bản sẽ cải thiện khả năng giao tiếp trong xã hội và khả năng tuyển dụng. Nếu không có nó, giới trẻ sẽ gặp bất lợi trong thị trường lao động toàn cầu.”

Vicky Gough - cố vấn trường học tại Hội đồng Anh cho biết: “Khi giáo dục bắt đầu phục hồi sau đại dịch, điều cần thiết là việc học ngoại ngữ phải được ưu tiên và dành cho tất cả học sinh, đặc biệt là khi Anh đàm phán lại vị trí của mình trên trường thế giới".

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ