Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết thương hiệu thời trang cho giới trẻ Forever 21 đang đàm phán huy động thêm vốn, đồng thời làm việc với một nhóm cố vấn để giúp họ tái cấu trúc nợ.
Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện với bên cho vay tiềm năng đến nay đang chững lại. Vì thế, họ chuyển hướng tập trung sang một khoản vay khác giúp công ty thực hiện việc tái cấu trúc sau khi phá sản.
Đồng sáng lập Forever 21 - Do Won Chang đến nay vẫn duy trì cổ phần kiểm soát tại Forever 21. Việc này đã hạn chế các lựa chọn vay vốn của họ. Dù vậy, Forever 21 vẫn có khả năng đạt thỏa thuận vào phút chót để không phải đệ đơn lên tòa án.
Forever 21 là một trong các khách thuê lớn của trung tâm thương mại. Nếu chuỗi này đóng lượng lớn cửa hàng vì tái cấu trúc, các chủ sở hữu trung tâm thương mại sẽ rất khó lấp chỗ trống.
Forever 21 là khách thuê lớn thứ 6 của Simon, với 99 gian hàng có tổng diện tích gần 140.000 m2, tính đến hết quý I.Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ giúp công ty này đóng cửa các cửa hàng thua lỗ và tái cấp vốn cho việc kinh doanh. Dù vậy, nó lại gây rắc rối cho chủ sở hữu các trung tâm thương mại, như Simon Property Group hay Brookfield Property Partners.
Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Đến nay, họ đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.
Làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Đầu tháng này, hãng bán lẻ hàng cao cấp Barneys New York cũng thông báo phá sản và sẽ đóng cửa 15 trên 22 cửa hàng. Hầu hết hãng bán lẻ gặp khó khăn đều đặt gian hàng tại trung tâm thương mại - nơi ngày càng ít người đến mua sắm.
Ngoài doanh thu giảm, họ còn phải tốn thêm chi phí cho công nghệ, để cạnh tranh với các thương hiệu bán hàng trực tuyến.