Hàng rong phố thị

GD&TĐ - Ở các thành phố lớn như  Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang… những thứ quà vặt bán rong dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của  người dân và khách du lịch. Không những thế, thứ quà vặt này còn là một nét đẹp văn hóa mỗi khi được ai đó nhắc đến.

Hàng rong phố thị

Nét văn hóa ẩm thực đường phố

Đến thăm Hà Nội 36 phố phường nhiều du khách chia sẻ: Không thể nào quên hương cốm mùa thu hay những trái sấu chín, bát tào phớ... ở vỉa hè, góc phố, công viên… Hay những lúc mọi người đang chìm sâu vào trong giấc ngủ thì đâu đó văng vẳng tiếng rao đêm. Hoặc mỗi buổi sớm mai, tiếng rao bán quà sáng của người bán bánh mì, bánh khúc, xôi… Nhiều người ở Hà Nội, coi tiếng rao đó như một thứ âm thanh quen thuộc cho một ngày mới và kết thúc một ngày.

Ở TPHCM, Đà Nẵng, Hội An... hay bất kì một thành phố nào cũng vậy, hình ảnh người bán hàng rong và những món ăn của họ đã quá quen thuộc và gắn bó với người dân. Nhiều người cho rằng, ở một khía cạnh nào đấy, những người bán hàng rong là một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị.

Với đôi quang gánh trên vai, hay đẩy chiếc xe đạp, xe cút kít, họ đi khắp phố phường, ngõ ngách của từng con phố. Người bán hàng rong đa số là dân tỉnh lẻ hoặc sống ven đô. Số tiền mỗi ngày kiếm được tuy không nhiều nhưng đó là thu nhập chính của họ. Quanh năm họ đã sống quen bằng nghề này.

Chị Lê Thị Huyền, 40 tuổi, quê Hưng Yên cho biết: “Tôi ra phố với gánh hàng rong từ năm 25 tuổi. Trong suốt 15 năm qua, bằng chiếc xe đạp cà tàng này tôi đã đi khắp các ngõ ngách của phố cổ Hà Nội để bán tào phớ.

Nhưng năm con còn nhỏ, tôi hay phải về quê nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn và dư ra một ít gửi về cho ông bà nội thêm vào nuôi con. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, chồng tôi lên phụ giúp. Anh chuyên ngồi nhà làm tào phớ còn tôi đi bán nên thu nhập cũng khá và ổn định hơn. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. Những ngày cuối tuần được từ 500.000 - 600.000 đồng. Trừ tiền ăn uống, tiền thuê nhà trọ vợ chồng tôi cũng dành dụm được 300.000 – 400.000 đồng mỗi ngày.

Công việc tuy vất vả sớm hôm, nhưng thu nhập ổn định hơn đi cấy lúa ở quê tôi. Bởi vậy, vợ chồng tôi quyết định tha hương lên thành phố làm nghề bán tào phớ rong”.

Cảm nhận của du khách

Một người bán tào phớ rong nơi phố thị
 Một người bán tào phớ rong nơi phố thị

Chị Bích Huệ - khách du lịch từ TPHCM đến thăm và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Là người dân sống và làm việc tại TPHCM, tôi rất thích các món ăn đường phố. Hầu như, thứ bảy hoặc chủ nhật nào tôi cũng xuống phố để được thưởng thức các mon ăn: Ốc, bánh mì, sủi cảo, bánh tráng…

Ra Hà Nội, tôi cũng rất thích các món ăn vặt nơi đây. Dường như mùa nào Hà Nội cũng có món ăn ngon. Năm ngoái, ra Hà Nội, tôi được một người bạn đưa đi ăn rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, tôi lại rất thích được la cà ngắm phố phường và thưởng thức các món ăn được bán rong trên đường phố. Nào sấu chín rầm, tào phớ, cốm, bún ốc, bún đậu, nộm, bánh rán… Hầu như các món hàng rong tôi đều được thưởng thức và rất ấn tượng với bát tào phớ màu trắng ngà, thoang thảng mùi hương hoa nhài. Các lớp tào phớ được người bán dùng miếng vỏ trai xúc từng lát mỏng, xếp lớp (khoảng 4 - 5 lớp trong bát), sau đó đổ một chút nước đường được nấu vàng sánh, nhìn rất hấp dẫn. Ăn một bát xong rồi tôi lại muốn ăn thêm bát thứ hai…”.

Nhớ có lần đi du lịch Đà Nẵng, tôi và lũ trẻ không thể nào quên món ăn vỉa hè của một chị đẩy xe cút kít, đó là món sữa chua muối. Món sữa chua này khác ở chỗ, chị chủ hàng tự làm cho vào một cái lọ nhựa nhỏ xinh xắn, khi ăn ta cho thêm một chút muối rang được xay nhỏ mịn vào, sau đó trộn đều lên, cho vào miệng ăn ta cảm nhận vị chua chua, thanh thanh của sữa, vị đằm đằm rất lạ của muối. Kể từ đó, cứ nói đến món ngon của Đà Nẵng tôi lại nhớ đến món sữa chua muối đầu tiên chứ không phải là món: chè sầu, mì Quảng hay các loại bánh gai, bánh ít… mặc dù đó cũng là những món ngon nổi tiếng của xứ Quảng.

Anh Trương Tiến Hải – Hướng dẫn viên du lịch của Hà Nội Tourist chia sẻ: “Ở bất kì đô thị nào chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh người bán hàng rong. Trong nước hay nước ngoài, hình ảnh này đều rất phổ biến. Để ý, quan sát kỹ chúng ta có thể nhận thấy, hình ảnh người bán hàng rong thể hiện phần nào trình độ, bản sắc văn hóa của mỗi một vùng miền, đất nước. Vì vậy, rất cần các nhà quản lý văn hóa từng địa phương có biện pháp, làm sao để hàng rong trở thành “điểm nhấn” thu hút khách du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ