Phố đi bộ Hồ Gươm: Được và mất sau 2 năm thí điểm

GD&TĐ - Sau hai năm hoạt động, phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi các cơ quan quản lý phải điều chỉnh, bổ sung cơ chế vận hành. Thực tế cũng đòi hỏi người dân phải thay đổi thói quen, hành vi khi tham gia môi trường văn hóa, văn minh đô thị.  

Trò chơi dân gian đang nhạt dần trên các tuyến phố đi bộ
Trò chơi dân gian đang nhạt dần trên các tuyến phố đi bộ

Cái được dễ nhìn thấy

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong: Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tại đây đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Không gian này đã trở thành địa điểm tổ chức hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng ấn tượng.

Đặc biệt, lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội tăng nhanh (trong năm 2017 là 1.776.366 lượt người, tăng 33% so với năm 2016; trong 9 tháng đầu năm 2018 là 424.089 lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017).

Nhờ đó, thu về ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm sau đạt cao hơn năm trước (năm 2016 khoảng 5.215 tỷ đồng, năm 2017 đạt 6.018 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5.733 tỷ đồng; dự kiến ước năm 2018 đạt khoảng 7.500 tỷ đồng).

Mất mát cũng không ít

Có thâm niên hơn mười năm dẫn khách du lịch nội địa và nước ngoài, anh Trương Tiến Hải - Công ty du lịch HanoiTourism cho biết: Không hiếm lần phát ngượng vì thói quen xả rác bừa bãi, bày hàng lấn chiếm vỉa hè, dịch vụ cho thuê trò chơi trẻ em chiếm dụng lòng đường.

Lẽ ra phố đi bộ Hồ Gươm phải là môi trường tiêu biểu về văn minh đô thị chứ sao lại để tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông và nhiều thói hư tật xấu lại phô bày ra giữa chốn công cộng. Khi khách nước ngoài ngỏ ý muốn mua đồ lưu niệm hay sản vật đặc trưng của Hà Nội, tôi rất khó khăn trước các cửa hàng nhan nhản hàng Trung Quốc, hàng nhái…

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện 2 năm thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cũng chỉ ra rằng: Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải.

Tình trạng bán hàng rong; dắt chó không có rọ mõm; trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô - xe máy điện của trẻ em chưa được giải quyết triệt để. Một số hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát; tập thể dục, tập nhẩy vào buổi tối mở nhạc to và trang phục không phù hợp đã ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Các hoạt động dịch vụ, thương mại đang tổ chức thí điểm chưa đáp ứng nhu cầu du khách tham quan không gian đi bộ. Các nhà WC công cộng bố trí trong khu vực đi bộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách trong những ngày lễ, tết và các ngày có sự kiện văn hóa đặc biệt.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: Muốn phố đi bộ vận hành và phát triển tốt Ban quản lý phải tạo ra được một thực thể sống động, một không gian mở về văn hóa, gắn với 36 phố phường Hà Nội cổ xưa. Các tuyến phố đi bộ cần được tăng cường hàm lượng khoa học và hàm lượng tri thức cho công chúng. Nếu xây dựng được những tour du lịch nhỏ, và hệ thống sơ đồ thông tin hữu ích về văn hóa, lịch sử của từng tuyến phố, từng rạp hát, bảo tàng, công trình kiến trúc với những dấu mốc thời gian… thì mới có được sự kết nối và bền vững…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ