Hàng nội lại thêm mối lo

GD&TĐ - Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực đang gây ra nhiều áp lực khi thị trường Việt Nam cho thấy sự yếu thế hơn về khả năng cạnh tranh, khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang mất cân bằng ngày càng lớn.  

Hàng hóa Hàn Quốc ngày càng nhiều ở Việt Nam
Hàng hóa Hàn Quốc ngày càng nhiều ở Việt Nam

Nông sản nội lép vế

Thương mại hai chiều Việt - Hàn đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt kể từ sau khi VKFTA có hiệu lực (ngày 20/12/2015). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang Hàn Quốc chưa được như kỳ vọng, nhiều mặt hàng XK có lợi thế của Việt Nam vẫn gặp nhiều “rào cản” tại thị trường này, trong khi hàng hóa Hàn Quốc, nhất là nông sản, có xu hướng tăng tại thị trường Việt Nam đang gây áp lực không nhỏ cho nông sản trong nước.

Nhiều doanh nghiệp XK cho rằng, hiện Hàn Quốc mới chỉ “mở cửa” cho xoài và thanh long của Việt Nam. Song chỉ có thanh long XK gặp thuận lợi, còn xoài đang gặp khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Philippines... Đặc biệt, Hàn Quốc còn là một thị trường rất khó tính, hàng rào kỹ thuật cao tương đương với Nhật Bản nhưng giá trị thấp hơn. Hơn nữa, họ quy định rất gắt gao về vùng trồng phải đạt chuẩn GAP, được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số quản lý, trái cây phải xử lý qua nhiệt hơi nước...

Bên cạnh đó, khâu quảng bá trái cây Việt Nam tại đây cũng gặp nhiều khó khăn do những rào cản về tài chính, chi phí quá cao nên các mặt hàng nông sản của ta rất khó cạnh tranh. Không chỉ các mặt hàng hoa quả, mà ngay các mặt hàng nông sản khác như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... từ Việt Nam cũng đang gặp khó khăn bởi những quy định gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của phía Hàn Quốc.

Trong khi XK đang bị gặp khó thì ở chiều ngược lại, hàng hóa Hàn Quốc đang không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam. Thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, kim ngạch XK rau quả Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 30 triệu USD (tăng 20% so với cùng kỳ), trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc dù chỉ đạt hơn 4 triệu USD nhưng tốc độ tăng trưởng tới gần 90% (so với cùng kỳ).

Mặt hàng rau quả vẫn xuất siêu lớn, song thống kê cho thấy Hàn Quốc đang tăng cường XK rau củ sang Việt Nam. Đến nay, đã có 4 loại trái cây Hàn Quốc được cấp phép nhập khẩu là lê, táo, nho và dâu tây. Nước này cũng đang xúc tiến để sớm XK chính ngạch năm loại quả khác là hồng, dưa vàng, quýt, đào và ớt sang Việt Nam.

Cần nâng cao sức cạnh tranh

Thực tế, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ trước khi VKFTA có hiệu lực. Cụ thể, năm 2011, nhập siêu từ Hàn Quốc đạt khoảng 8,46 tỷ USD, con số này tăng vọt lên mức 20,6 tỷ USD trong năm 2016.

Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh từ Hàn Quốc chủ yếu là nhóm nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,7 tỷ USD năm 2016); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (5,8 tỷ USD năm 2016); điện thoại các loại và linh kiện (3,6 tỷ USD năm 2016)…

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu phục vụ sản xuất, gia công và XK. Vì vậy, nhập siêu từ Hàn Quốc chưa phải là điều gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội để cân bằng cán cân thương mại, sẽ là bất lợi và thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước.

Các chuyên gia cho rằng, trước mắt, để rút ngắn khoảng cách, giảm nhập siêu với Hàn Quốc, Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam như trái cây, rau củ... bằng cách nâng cao chất lượng, tìm cách tháo gỡ những khó khăn về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Về lâu dài, Việt Nam cần những giải pháp căn cơ về tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Chỉ khi nào các doanh nghiệp trong nước không còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khi đó cán cân thương mại với các quốc gia mới có thể cân bằng.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt gần 20 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt hơn 14 tỷ USD (tăng trưởng kỷ lục 45,3% so với cùng kỳ năm 2016), trong khi kim ngạch XK hàng hóa Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 4,4 tỷ USD (tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2016).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.