Trước đó, cơ quan chức năng, phát hiện 1 nhóm hơn 10 đối tượng trên địa bàn Hà Tĩnh có biểu hiện bất minh về kinh tế, nghi vấn móc nối với các đối tượng ngoại tỉnh hoạt động lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh.
Sau hơn 4 tháng điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được ổ nhóm này nằm trong đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, với quy mô đặc biệt lớn, được hình thành từ năm 2018.
Theo cơ quan chức năng, ổ nhóm này hoạt động có tổ chức chặt chẽ, tính chất chuyên nghiệp với hơn 100 đối tượng tham gia chia thành nhiều chi nhánh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP. Hồ Chính Minh...
Phương thức hoạt động của chúng là lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.
Nạn nhân bọn chúng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
Với một loạt thông tin đưa ra rất hấp dẫn như mức lương mỗi tháng từ 10 đến 15 triệu đồng; công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì nhập hàng từ công ty về bán cho khách… Với thủ đoạn như trên từ tháng 10/2018 đến nay hàng nghìn người trên cả nước đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này
Để các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng không vội vàng đặt hàng ngay mà chờ đến 1 - 2 ngày sau khi cộng tác viên đăng bài, bọn chúng mới sử dụng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt hàng.
Khi cộng tác viên đặt hàng tại trang bán hàng, các đối tượng cam đoan là sẽ được hoàn trả hàng nếu giữ lại giấy bảo đảm của công ty nhưng thực tế địa chỉ nhận lại hàng chất lượng kém.
Sau khi hàng đã đến tay của cộng tác viên, những người đặt mua hàng trước đó tự “bốc hơi”, không để lại dấu vết, hàng cũng không hoàn lại được vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là giả.
Chính vì vậy, các cộng tác viên sẽ phải ôm một số lượng hàng hoá có giá trị thật chênh lệch từ 40-50 lần so với số tiền bỏ ra, nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Sau hơn 4 tháng tổ chức các hoạt động điều tra, thu thập đầy đủ thông tin, đầu tháng 4/2021, lực lượng chức năng đã vào cuộc bóc gỡ đường dây lừa đảo này.
Cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ, triệu tập hơn 100 đối tượng, thu giữ 4 ô tô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động, 3,6 tỷ đồng tiền mặt và hơn 30 thùng hàng.
Làm việc với cơ quan điều tra, 2 đối tượng cầm đầu đường dây này là Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tại phường Lam Sơn, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá), Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1993, trú thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cùng đồng bọn đã thừa nhận hành vi của mình.
Ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với Lê Huy Nhật và 36 đối tượng trong đường dây về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hiện, vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.