Chụp ảnh tư tưởng: Sự thực hay lừa đảo?

GD&TĐ - Ngày nay, hầu như ai cũng có công cụ chụp ảnh nhỏ gọn bên mình, chia sẻ và đăng chúng lên Internet nhanh như chớp.

Ảnh chụp tâm trí của Serios (trái) và của Tomokichi Fukurai.
Ảnh chụp tâm trí của Serios (trái) và của Tomokichi Fukurai.

Tuy nhiên, chụp được những suy nghĩ trong đầu từng gây sôi nổi cách nay vài thập niên vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Những trường hợp điển hình

Cái mà ngày nay được gọi là “chụp ảnh tư tưởng” (thoughtography), hay “nhiếp ảnh tâm linh” (psychic photography), là khái niệm cho rằng hình ảnh từ tâm trí của con người có thể chiếu ra bên ngoài, có thể được in vào phim, đĩa ảnh, hoặc các vật thể khác như giấy, thậm chí là đá. Mặc dù nghe có vẻ xa vời nhưng ý tưởng này không phải đặc biệt mới, mà đã được đề cập từ thế kỷ 19.

Ngay từ năm 1893, nhà phát minh và sáng tạo nổi tiếng, Nikola Tesla, đã có ý tưởng tạo ra một cỗ máy giúp các suy nghĩ và hình ảnh trong tâm trí chiếu lên một thiết bị như TV chẳng hạn. Rất tiếc, cỗ máy của Tesla chưa bao giờ thành hiện thực, và “chụp ảnh tư tưởng” vẫn còn điều bí ẩn.

Cho đến năm 1910, Tomokichi Fukurai, Phó Giáo sư tâm lý học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, đã tiến hành các thí nghiệm về cái mà ông gọi là nensha, hay “chụp ảnh tâm trí”, với một nhóm phụ nữ được cho là có khả năng ngoại cảm. Họ sẽ đi vào trạng thái xuất thần và hình ảnh trong tâm trí của họ được in lên các kính ảnh, bao gồm cả hình bóng và ký tự chữ viết Nhật Bản.

Sau này, Fukurai gọi chúng là “hình ảnh tư tưởng” hay “tưởng ảnh”. Mặc dù công việc trên không được xem trọng, bị chỉ trích là phi khoa học và thậm chí là lừa đảo, nhưng ông vẫn phổ biến khái niệm này đến với công chúng. Cho dù Fukurai có thực sự tạo ra những hình ảnh bí ẩn này hay không, nhiều người khác cũng đã tiếp bước ông để cố gắng tạo ra những “hình ảnh tư tưởng” của riêng họ.

Một trong những trường hợp được biết đến nhiều về nhiếp ảnh tư tưởng là của Ted Serios - nhân viên phục vụ khách sạn ở Chicago, Mỹ. Vào năm 1960, anh ta tuyên bố có thể sử dụng sức mạnh tâm trí để tạo ra hình ảnh qua máy ảnh chụp lấy liền, Polaroid.

Tất cả những gì anh ta làm là giữ một thiết bị hình ống nhỏ bằng cao su hoặc giấy bìa, mà anh ta gọi là “gizmo”, lên trán và tập trung hướng vào tấm phim Polaroid. Serios cũng tuyên bố những hình ảnh qua một “cổng chính” trong tâm trí anh, và anh thực sự không nhìn thấy khi chúng được chuyển đến phim.

Những tuyên bố kỳ lạ này đã thu hút sự chú ý của bác sĩ tâm thần tại Denver, bang Colorado, Jule Eisenbud, người đã quyết định kiểm tra khả năng bí ẩn của Serios. Mặc dù sự thể hiện của Serios nặng phần trình diễn, và anh ta thường say xỉn trước khi biểu diễn, nhiều thí nghiệm được Eisenbud tiến hành không tìm ra bằng chứng về lừa đảo hay gian trá nào.

Eisenbud kết luận khả năng của Serios là có thật. Ông viết một quyển sách về đề tài này tựa đề The World of Ted Serios: “Thoughtographic” Studies of an Extraordinary Mind (Tạm dịch: Thế giới của Ted Serios: “Chụp ảnh tư tưởng – Những nghiên cứu về một tâm trí khác thường) gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó, thu hút sự chú ý của công chúng đối với ông và Serios.

Tuy nhiên, cũng không ít người hoài nghi, cho rằng Serious đã sử dụng xảo thuật, gắn một thấu kính nhỏ với kính ảnh trong suốt, hoặc một số thiết bị chỉnh sửa ảnh khác vào bên trong gizmo để tạo ra ảnh. Nhiều chuyên gia khẳng định những gì anh ta tuyên bố, về mặt vật lý, là không thể thực hiện. 

Ted Serios trong một buổi kiểm tra “chụp ảnh tư tưởng”.
Ted Serios trong một buổi kiểm tra “chụp ảnh tư tưởng”.

Xảo thuật?

Vào năm 1978, nhà ngoại cảm Nhật Bản Masuaki Kiyota, tuyên bố ông có thể phóng những hình ảnh từ tâm trí của mình lên phim, một trong số nhiều năng lực tâm thần khác của ông. Kiyota đồng ý để kênh Granada Television kiểm tra trong điều kiện phòng thí nghiệm nghiêm ngặt ở London, Anh nhưng rồi ông ta không thể hiện được khả năng được cho là đặc biệt của mình.

Ông có thể tạo ra một số hình ảnh dị thường, nhưng chỉ khi ở một mình không ai kiểm soát với tấm phim trong 2 giờ. Mặc dù vậy, Kiyota vẫn luôn khẳng định thực hiện được thoughtography… Đây là sức mạnh đến rồi đi, ông không kiểm soát được nó. Những năm sau đó, cuối cùng ông ta đã thú nhận việc chụp ảnh tâm trí chỉ là trò lừa đảo.

Một ví dụ khác về thoughtography là nhà ngoại cảm nổi tiếng Uri Gellar. Năm 1995, Gellar bắt đầu sử dụng máy ảnh 35 mm với nắp ống kính vẫn mở trong các buổi biểu diễn của mình. Ông thường chụp ảnh trán khi hình dung những gì mình muốn và chúng xuất hiện trên phim.

Những bức ảnh được rửa ra cho thấy hình dạng và sự sắp xếp mờ ảo bất thường của tối và sáng. Nhưng những người hoài nghi cho rằng rất có thể Gellar đang sử dụng một thiết bị quang học ẩn nào đó hoặc phim đã phơi sáng để tạo ra ảo ảnh.

Liệu thoughtography có thật hay chỉ là trò lừa. Những người hoài nghi cho rằng, những hình ảnh này là kết quả của quá trình thao tác trên bản kẽm hoặc tấm phim, in hai lần, phơi sáng kép và màn chắn hóa học, cũng giống như các lỗi xử lý phim, lóa ống kính, phản xạ flash, phản ứng hóa học, hoặc các sai sót khác của máy ảnh, phim… vốn thường xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều hình ảnh qua xem xét được nhiều người cho là từ tâm trí. Liệu những suy nghĩ có thể in được vào phim không, và nếu có, thông qua những quá trình gì để thực hiện được như vậy? Bí ẩn về đề tài vẫn còn đang thách đố.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...