Từ ngày 19/2 đến nay, tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh nên trời rét đậm, rét hại kèm theo mưa rào. Một số huyện miền núi nhiệt độ vào ban đêm chỉ từ 3-5 độ C. Thời tiết giá rét đã khiến hàng nghìn con gia súc, gia cầm của người dân bị chết cóng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong ngày 24/2, các tỉnh Bắc Trung Bộ trời vẫn rét đặc biệt về đêm và sáng; chưa chiều giảm mây, có nắng. Trời rét đậm, nhiệt độ thấp nhất từ 11-14 độ C.
Để kịp thời đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa đông.
Đối với những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.
Cấp huyện, xã phải lập Đoàn kiểm tra xuống tận thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao.
Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, ngoài thức ăn xanh cần bổ sung thức ăn tinh bột (ngô, cám…) cho trâu, bò đảm bảo cung cấp tại chuồng không để gia súc bị đói, khát.
Nhốt gia súc tại chuồng, không thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc.
Bên cạnh đó, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Yêu cầu hệ thống truyền hình, truyền thanh cấp huyện, xã thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để người chăn nuôi biết, chủ động trong phòng, chống đói, rét; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi.
Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương theo tổng đàn thực tế; yêu cầu chỉ tiêu tiêm phòng đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm…
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm trong vụ Xuân; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, mưa lạnh những ngày qua đã khiến 1.585 con gia súc, gia cầm bị chết.
Trong đó, có 1.104 con trâu, bò (Kỳ Sơn 506 con, Tương Dương 240 con, Con Cuông 45 con, Quế Phong 169 con, Quỳ Châu 66 con, Quỳ Hợp 78 con); 116 con dê, 15 con lợn và 250 con gia cầm. Bên cạnh đó, có 17,4ha lúa bị thiệt hại; 275,1ha cây ngô bị gãy đổ.
Ngoài ra, tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương) có 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1 nhà có nguy cơ sạt lở.