Ngưỡng điểm cao ở các trường tốp đầu
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm sàn ở các mã ngành khác nhau, dao động từ 21 – 24 điểm. “Trừ Đào tạo quốc tế có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dưới 20 điểm, các ngành đại trà của Bách khoa đều từ 21 điểm trở lên.
Thí sinh dưới 21 điểm nên chọn trường khác đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội đỗ”, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Phong Điền nói. Được biết, ngày 14/7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ cụ thể cho từng mã ngành.
Trường ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội và TPHCM cũng cho biết có mức sàn là 22,5 khối A; các khối còn lại 21,5; riêng khối D2 (thi tiếng Nga) lấy 20,5 điểm. Cơ sở Quảng Ninh của trường nhận hồ sơ từ 18 điểm.
Trước ĐH Kinh tế Quốc dân lấy ngưỡng xét tuyển của tất cả 25 mã ngành là 18 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2016. Tuy nhiên, Trưởng phòng Đào tạo Bùi Đức Triệu khuyến nghị, mức điểm đăng ký vào trường an toàn nhất là 20.
Tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân ban đầu là hơn 60.000, Trường tuyển 4.800 chỉ tiêu. Dù còn thời gian để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, nhưng ông Bùi Đức Triệu cho rằng, với sàn 18 điểm, trường vẫn dư dôi nguồn tuyển.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với số điểm khác nhau ở từng ngành, chương trình đào tạo. Ở hệ đại trà, ngành Kinh tế gia đình, Công nghệ chế biến lâm sản nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm; ngành Công nghệ vật liệu 19 điểm; các ngành Logistics và chuỗi cung ứng, Kỹ thuật dữ liệu, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ in, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Thương mại điện tử và Kế toán lấy 20 điểm.
Ở các ngành đại trà còn lại như Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật ô tô... trường lấy hồ sơ 21 - 22,5 điểm. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Tiếng Anh lần lượt lấy 28 và 30 điểm ở tổ hợp môn D01, D96 (môn Tiếng Anh nhân hệ số 2). Hệ chất lượng cao trường này lấy điểm “sàn” thấp hơn 1 - 2 điểm ở từng ngành so với hệ đại trà. Năm nay trường có 2.510 chỉ tiêu hệ đại trà và 2.265 chỉ tiêu hệ chất lượng cao.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM lấy ngưỡng xét tuyển 20 điểm với các ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Thú y và Nông học. Các ngành có điểm nhận hồ sơ thấp nhất là Công nghệ chế biên lâm sản, Lâm nghiệp và Quản lý tài nguyên rừng, 17 điểm.
Chương trình tiên tiến ở 2 ngành Công nghệ thực phẩm và Thú y lấy ngưỡng 20 điểm, các ngành đào tạo chất lượng cao lấy 18 điểm và chương trình cử nhân quốc tế 17 điểm. Riêng 2 phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận, mức điểm nhận hồ sơ tất cả các ngành là 15,5.
Nhiều trường chọn điểm sàn làm mốc xét tuyển
Học viện Ngân hàng cơ sở Hà Nội cho biết chỉ xét tuyển thí sinh đạt từ 17,5 điểm trở lên; cơ sở Bắc Ninh và Phú Yên nhận hồ sơ từ 15,5 điểm, bằng mức điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố. Còn ĐH Hà Nội xác định mức nhận hồ sơ cũng từ 15,5 điểm, tương tự với mức nhận hồ sơ của Trường ĐH Thủy lợi: Từ 15,5 điểm, tương đương với ngưỡng điểm xác định bảo đảm chất lượng đầu vào năm 2017 của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, “điểm sàn” xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) tất cả 16 ngành của trường là 15,5 điểm ở tất cả các tổ hợp xét tuyển. Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.560, thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các ngành thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, tài chính, kế toán... Năm học 2017 - 2018, UEF cũng được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo các ngành mới: Quan hệ quốc tế (theo Quyết định số 1546/QĐ-BGDĐT), Luật Quốc tế (Quyết định số 1805/QĐ-BGDĐ), Ngôn ngữ Nhật (Quyết định số 2194/QĐ-BGDĐT), giúp thí sinh có thêm nhiều chọn lựa ngành học yêu thích trong mùa tuyển sinh năm nay.
Theo đó, điểm sàn xét tuyển vào Trường Đại học Văn Hiến (VHU) năm học 2017 - 2018 là 15,5 điểm (bằng kết quả thi THPT quốc gia). Riêng đối với ngành năng khiếu, ngoài tổ chức thi riêng các môn chuyên môn thì xét tuyển môn văn hóa là Văn từ 5 điểm trở lên. VHU cũng tuyển sinh song song phương thức xét tuyển bằng học bạ song song phương thức dùng kết quả thi THPT quốc gia cho tất cả các ngành của trường.
Là trường theo mô hình tự chủ tài chính (thí điểm), năm học 2017 - 2018 Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) có mức “điểm sàn” xét tuyển tăng nhẹ một chút so với năm ngoái với phần lớn các ngành có mức điểm xét tuyển ở ngưỡng 15,5 điểm. Riêng 5 ngành ĐH đào tạo theo chương trình tăng cường tiếng Anh: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm (Công nghệ thực phẩm), Công nghệ sinh học, Quản trị nhà hàng – khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kế toán sẽ nhận từ mức điểm 17 điểm.
Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học năm 2017 của phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi THPT quốc gia đối với tất cả các ngành đào tạo đại học chính quy. Theo đó, điểm nhận hồ sơ của tất cả các ngành đào tạo là 15,5 điểm - ngang với ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định (điểm sàn). Cũng theo thông tin từ Hội đồng Tuyển sinh HUTECH, năm 2017 HUTECH chính thức tuyển sinh 100 chỉ tiêu ngành Thú y trình độ đại học (mã ngành 52640101) theo Quyết định số 2325/QĐ-BGDĐ ký ngày 11/7/2017 của Bộ GD&ĐT.
Tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điểm nhận hồ sơ của tất cả các ngành đào tạo là 15,5 điểm, riêng ngành Dược lấy 18 điểm, ngành Răng - Hàm - Mặt 21 điểm, các ngành năng khiếu lấy 15,5 điểm (môn năng khiếu hệ số 1) hoặc 20 điểm (môn năng khiếu hệ số 2). Tổng chỉ tiêu của trường là 3.250, trong đó một nửa tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi THPT, còn lại là xét học bạ.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15,5; riêng ngành Bác sĩ dự phòng lấy 18. Một số ĐH ngoài công lập tại TPHCM như Văn Hiến, Hoa Sen... cũng lấy ngưỡng điểm sàn của Bộ để nhận hồ sơ xét tuyển.