Chất kích dục trộn trong TPCN
Theo thông báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), căn cứ biên bản kiểm tra do đoàn kiểm tra của Cục An toàn Thực phẩm thực hiện tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam Canov ở Thanh Xuân, Hà Nội; Biên bản lấy mẫu và Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 4415/PKN-VKNQG ngày 17/5/2016 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Cục An toàn thực phẩm thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Avena, số lô 010316 (ngày sản xuất: 2/3/2016; Hạn sử dụng: 1/3/2019) do Công ty TNHH Medistar Việt Nam ở Mê Linh, Hà Nội sản xuất đã chứa chất cấm sildenafil (hoạt chất của Viagra).
Do đó, Cục ra thông báo tạm dừng việc lưu thông sản phẩm thực phẩm này, đồng thời yêu cầu công ty có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi trong thời hạn 10 ngày và gửi báo cáo bằng văn bản về Cục. Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu công ty này phải cung cấp thông tin liên quan đối với lô hàng không đạt bao gồm: số lượng hàng hóa cùng lô đã sản xuất, lưu thông, tồn kho và thu hồi tính đến ngày gửi báo cáo. Đồng thời, công ty này phải báo cáo việc khắc phục, xử lý đối với lô hàng không đạt và biện pháp khắc phục đối với quá trình sản xuất nhằm bảo đảm sản phẩm được sản xuất, lưu thông trên thị trường đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố.
Theo như quảng cáo, Avena plus có công dụng bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, giúp tăng cường nội tiết tố nam một cách tự nhiên, cải thiện chức năng sinh lý và làm chậm quá trình mãn dục ở nam giới…
Cục An toàn thực phẩm cũng vừa tạm dừng lưu thông lô sản phẩm TPCN có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt chất lượng của Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam. Lô sản phẩm TPCN bảo vệ sức khỏe Uy Mãnh Nang, số lô 0116, NSX:20/01/2016, HSD: 19/1/2019 của Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam ở Hoàng Mai, Hà Nội (nhà sản xuất: Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên ở TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) có chỉ tiêu không đạt: dương tính với chất sildenafil. TPCN bảo vệ sức khỏe Uy Mãnh Nang được quảng cáo dùng cho nam giới tuổi trưởng thành suy giảm chức năng sinh lý, bổ thận tráng dương.
Trước đây, Cục An toàn thực phẩm xử phạt Công ty TNHH SXTM và DV Tinh Tấn ở quận Tân Bình, TPHCM vì nhập khẩu, bán ra thị trường lô sản phẩm TPCN viên Happygra có chứa chất sildenafil và kinh doanh lô sản phẩm TPCN viên Happygra vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa với mức phạt 62 triệu đồng.
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết, thời gian qua, cơ quan này phát hiện một số sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số TPCN, trước đây chủ yếu có sildenafil thì vừa qua lại tìm thấy vardenafil - một hoạt chất tương tự, xếp vào nhóm chất kích dục.
Trong năm 2015, Viện kiểm nghiệm 6 mẫu TPCN thì phát hiện 2 mẫu chứa chất cấm vardenafil. Đây là một loại tân dược được dùng để điều trị yếu sinh lý, rối loạn cương dương. Vì là thuốc trị bệnh nên nó được sử dụng theo đơn của bác sĩ, với liều lượng, hàm lượng nhất định. Theo chỉ định của nhà sản xuất, mỗi ngày chỉ uống tối đa một viên chứa 10 mg vardenafil. Vardenafil bị cấm sử dụng trong TPCN.
Trong khi đó, TPCN là mặt hàng bán không cần kê đơn, không kiểm soát được hàm lượng. Vì thế nếu sử dụng quá liều vardenafil sẽ vô cùng nguy hại, nhất là người bệnh tim mạch, có nguy cơ làm tăng nhịp tim, tăng lượng máu đến các cơ quan khác.
Bát nháo kinh doanh
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Sản phẩm Avena plus là điển hình của vi phạm xin đăng ký một đằng nhưng sau khi được cấp phép lại sản xuất một nẻo. Trong quá trình hậu kiểm chúng tôi đã mua mẫu về xét nghiệm và phát hiện ra sản phẩm chứa chất cấm. Trước đây đã từng có một vài sản phẩm TPCN sai phạm như vậy và đã bị xử lý nặng”.
Được biết, vardenafil và sildenafil là những hoạt chất bị cấm trong thành phần của TPCN. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận, tình hình quảng cáo TPCN đang khá lộn xộn, theo quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm TPCN khi quảng cáo trên mạng đều nói quá về công dụng, nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định: “Những hành vi gian dối như vậy, chúng tôi thường xử phạt rất nặng, đồng thời đưa vào “danh sách đen” để theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khi đăng ký lại hoặc đăng ký mới sản phẩm khác”.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhận định, thực tế vi phạm về TPCN vẫn còn rất nặng nề, phức tạp và chưa phản ánh hết thực tế thị trường TPCN hiện nay. Việc cấp phép cho TPCN có quy định, quy trình từ công bố, kiểm nghiệm, ghi nhãn, vệ sinh cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của sản phẩm… Chỉ doanh nghiệp nào đáp ứng các yêu cầu này mới được cấp phép lưu hành. Tất nhiên, TPCN không bị yêu cầu khắt khe như thuốc.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Bác sĩ nam khoa cho biết, sildenafil và vardenafil là 2 hoạt chất có trong các thuốc điều trị rối loạn cương là Viagra (sildenafil) và levitra (vardenafil), không thể sử dụng tùy tiện. Ngay cả với những trường hợp được chỉ định dùng các thuốc này cũng có thể dẫn đến các phản ứng. Mức độ nhẹ có thể chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim còn nặng hơn có thể bị suy thận, suy gan, cương cứng dương vật kéo dài, thậm chí hoại tử, nhiễm khuẩn dương vật. Đặc biệt, những người bệnh có tiền sử tiểu đường, tăng huyết áp hay tim mạch mà sử dụng TPCN có chứa hoạt chất điều trị rối loạn cương dương nhưng không biết trong sản phẩm đó có hoạt chất này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.