Hàng loạt chính sách mới cho GV, HS vùng khó

Hàng loạt chính sách mới cho GV, HS vùng khó

(GD&TĐ) - Năm học mới 2013 – 2014 đã sẵn sàng với bước đệm vững chắc từ thành quả của năm học trước và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ GD&ĐT, của các địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: gdtd.vn

Những thông tin về công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được Bộ GD&ĐT trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí trong buổi họp báo quý III chiều nay (28/8) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Nguồn động viên to lớn với giáo dục vùng khó

Một trong những điểm nổi bật của năm học mới 2013 - 2014 là sự có hiệu lực của hàng loạt chính sách mới đối với giáo viên và học sinh vùng khó.

Theo Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương, bắt đầu từ ngày 1/9/2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng. Đây là nội dung tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 36/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Mỗi HS được hưởng mức hỗ trợ gạo nói trên không quá 9 tháng/năm học.

Cũng từ 1/9, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ cho phí ăn ở trong quá trình học tập. Theo đó, các đối tượng có đủ điều kiện được hỗ trợ 9 tháng/năm học; mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Với các em phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung.

Ngày 1/8/2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2013/TT-BGDĐT, theo Thông tư này, Quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo chính quy đối với trường ngoài công lập. Đối với các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách nhà nước cấp bù học phí.

Năm học mới này, thêm 3 đối tượng được miễn giảm học phí, bao gồm sinh viên học chuyên ngành Mác Lênin và tư tưởng  Hồ Chí Minh; HSSV học các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh; HSSV người dân tộc thiểu số ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Theo quy định mới, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục, do đó, đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc ĐH sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì phải nộp học phí như bình thường và về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này.

Việc cấp bù trực tiếp học phí cho trường học sẽ giải quyết được các trường hợp chậm giải ngân.

Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực từ ngày 14/4/2013 là nguồn động viên to lớn đối với những nhà giáo đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, giúp họ gắn bó thêm với công việc. Điểm mới đặc biệt có ý nghĩa của chính sách này, theo ông Phạm Ngọc Phương là quy định khi giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chưa thực hiện được việc luân chuyển vấn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút.

Em vui tới trường. Ảnh: gdtd.vn
Em vui tới trường. Ảnh: gdtd.vn

Vững hành lang pháp lý

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi về những vấn đề “nóng” đầu năm học mới được đặt ra như vấn đề lạm thu, dạy học cho trẻ trước lớp 1, dạy thêm học thêm,  vấn đề thừa - thiếu giáo viên…

Trả lời về vấn đề lạm thu, ông Lê Khánh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - cho biết: Một trong các giải pháp đã được thực hiện là tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, việc thu trong trường học. Các văn bản này hiện nay đã tương đối đầy đủ. Phương pháp khác là bảo đảm thực hiện 3 công khai theo thông tư 09 của Bộ GD&ĐT, đảm bảo sự kiểm soát của xã hội và các đối tượng liên quan đối với việc thu trong nhà trường.

Cùng với đó là phối hợp quản lý, theo phân cấp trong nghị định 115 của Chính phủ; theo đó, các địa phương, UBND các cấp, cấp tỉnh, huyện, xã phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời và xử lý vấn đề lạm thu xảy ra. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để đảm bảo hành lang pháp lý ban hành được thực hiện đúng.

“Chúng tôi mong được sự phối hợp của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội liên quan. Cha mẹ học sinh phải tham gia phát hiện để thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý biết thông tin và xử lý. Lực lượng xã hội cũng tham gia cùng các cấp chính quyền, quản lý để kiểm soát việc này” - Ông Lê Khánh Tuấn bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề rất được quan tâm hiện nay là trường chất lượng cao (CLC) của Hà Nôi, ông Tuấn cho biết: 2 cơ sở pháp lý cho việc này là Nghị định 69, sau này là Nghị định 74 có nội dung các trường được tổ chức các dịch vụ CLC và thu ở mức tương xứng; sau đó là Luật Thủ đô. Tuy nhiên, theo chỉ đạo chung phải đảm bảo các nguyên tắc: tổ chức trường CLC thu cao vẫn phải đảm bảo giáo dục đại trà; phải hoàn toàn tự nguyện và phải tương xứng giữa chất lượng dịch vụ cung cấp và tiền thu.

“Hiện nay để đánh giá 3 tiêu chí này đang còn nhiều vấn đề, Vụ Kế hoạch tài chính sẽ phối hợp với các vụ chuyên môn có cụ thể hóa để đánh giá trong thời gian tới” - Ông Tuấn cho hay.

Về thông tin ngành Giáo dục hiện đang thiếu trên 27.000 giáo viên và vẫn thừa giáo viên một số bộ môn trên một số vùng miền, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - ông Hoàng Đức Minh - cho biết: Đây là một thực trạng đã diễn ra nhiều năm; tuy nhiên, năm nay đã giảm đi nhiều. Thiếu giáo viên phát sinh chủ yếu từ việc triển khai Đề án phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, triển khai Đề án ngoại ngữ đến năm 2020, tăng dạy học 2 buổi trên ngày…

Để khắc phục thực trạng này, 2 năm nay, ngành Giáo dục cùng các địa phương đã triển khai quyết liệt quy hoạch nhân lực của ngành, tiếp tục điều chỉnh đào tạo ở các trường sư phạm gắn với nhu cầu; thực hiện tốt đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn và các đánh giá khác; thực hiện thu hút giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay Bộ GD&ĐT cũng đang thực hiện đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành cũng như dự báo nhân lực của ngành trong triển khai quy hoạch để thực hiện gắn kết đào tạo với sử dụng tốt hơn. Các địa phương cũng đang tích cực thực hiện điều này.

Với những vấn đề báo chí quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đã có những lý giải thêm chi tiết hơn. Riêng thông tin một số địa phương có dạy thêm, lạm thu, dạy trước cho trẻ vào lớp 1,..., Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Quản lý những việc đó là của các địa phương, trước hết là của các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan quản lý Nhà nước cho địa phương.

Nhiệm vụ chính của Bộ GD&ĐT là ra các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp có vi phạm, từ báo chí hoặc nguồn thông tin nào đến Bộ, Bộ luôn sẵn sàng trao đổi với địa phương.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ