Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025
Ngày 24/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng từ năm 2025. Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/2/2025.
Bên cạnh kế thừa những nội dung đã được triển khai thuận lợi, ổn định các năm qua, nhất là năm 2023 và 2024, Quy chế có những điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất: Tổ chức Kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng Kỳ thi.
Thứ hai: Sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học trung học phổ thông.
Thứ ba: Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.
Thứ tư: Về điểm khuyến khích, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên.
Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Thứ năm: Cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn Ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Thứ sáu: Lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức Kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Đối với tuyển sinh THCS, ngoài đối tượng học sinh tiểu học, Thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thông tư mới quy định cụ thể hơn về phương thức tuyển sinh THCS trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, phân cấp quản lý và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giảm áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và cơ sở giáo dục
Theo đó, tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Quy định trong Thông tư mới cũng giảm thiểu thủ tục hành chính trong đăng kí tuyển sinh; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Việc đăng kí tuyển sinh THCS được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Về tuyển sinh THPT, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Về thời gian làm bài thi, Thông tư quy định: môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.
Thông tư mới đồng thời bổ sung quy định về tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm những quy định chung về ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi. Trong đó giao quyền cho Sở GD&ĐT quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế. Các trường THPT thuộc Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc thực hiện theo quy định của Sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có THCS hoặc trường THPT hoặc trường liên cấp trong đó có cấp THCS hoặc cấp THPT. Trong đó, Thông tư giao quyền cho UBND cấp tỉnh, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có trường THCS và trường THPT “chỉ đạo việc tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trên địa bàn quản lí; quyết định xử lí những trường hợp bất thường trong quá trình tổ chức tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT”.
Bổ sung quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lí vi phạm trong công tác tuyển sinh...
Quy định về dạy thêm, học thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2/2025.
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: (i) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; (ii) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; (iii) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về đối tượng người dạy: Với những đối tượng học sinh học thêm như trên, Thông tư mới chỉ quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm: 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các quy định như trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời, hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Thông tư tăng trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Sửa đổi quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa
Ngày 25/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 26/2024/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2025.
Theo Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT, sách giáo khoa là xuất bản phẩm được biên soạn theo các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa được sửa đổi tại Thông tư 26 như sau:
Người biên soạn sách giáo khoa có trình độ đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.
Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT đồng thời bổ sung khoản 4 vào Điều 13 như sau: Không biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa hoặc tổ chức việc biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này.
Ngoài ra còn có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa; trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa; thay thế một số cụm từ của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa...
Điều khoản chuyển tiếp: Sách giáo khoa đã được xuất bản, phát hành trước khi Thông tư này có hiệu lực tiếp tục được sử dụng.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số
Ngày 10/1/2025, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 1/2025/TT-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 25/2/2025.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ban hành kèm Thông tư này gồm:
Danh mục thiết bị dùng chung các môn học tiếng dân tộc thiểu số; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Bahnar; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Chăm;
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Ê đê; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Jrai; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Khmer;
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Mnông; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Mông; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn Tiếng Thái.
Căn cứ vào Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Thông tư này thay thế Thông tư số 37/2014/TT-BGDĐT ngày 2/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Ban hành Chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục
Ngày 25/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 25/2024/TT-BGDĐT ban hành chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 9/2/2025.
Các cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục, bao gồm: Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đại học, học viện, trường đại học, cơ sở có đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non, trường dự bị đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không áp dụng nội dung quy định tại Thông tư này.
Nội dung chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục gồm: Mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và danh mục, biểu mẫu báo cáo kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê.
Chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục áp dụng đối với cơ quan, đơn vị nhằm thu thập thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu biên soạn hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia giao cho Bộ GD&ĐT, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục (ban hành tại Thông tư số 03/2024/TT-BGDĐT ngày 18/3/2024) và tổng hợp các thông tin thống kê khác phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.
Số liệu báo cáo trong hệ thống biểu mẫu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin thống kê bao gồm thông tin thống kê của các đơn vị trực thuộc và thông tin thống kê của các đơn vị thuộc quyền quản lý.
Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời gian nhất định quy định cơ quan, đơn vị báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo cáo thống kê ngành giáo dục được tính theo năm học và được ghi cụ thể dưới tên biểu của từng biểu mẫu báo cáo thống kê.
Báo cáo thống kê định kỳ: Kỳ báo cáo thống kê giáo dục được tính theo năm học và thời hạn báo cáo. Cụ thể, báo cáo thống kê giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật mỗi năm thực hiện 2 kỳ báo cáo: Kỳ báo cáo đầu năm học, thời điểm báo cáo là ngày 30 tháng 9, thời hạn gửi báo cáo là ngày 30 tháng 10; kỳ báo cáo cuối năm học, thời điểm báo cáo là ngày 31 tháng 5, thời hạn gửi báo cáo là ngày 30 tháng 6.
Báo cáo thống kê giáo dục đại học, đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và dự bị đại học, mỗi năm thực hiện 1 kỳ báo cáo: Thời điểm báo cáo là ngày 31 tháng 12, thời hạn gửi báo cáo là ngày 31 tháng 1 năm kế tiếp sau năm báo cáo.
Báo cáo thống kê khác được thực hiện để giúp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thu thập các thông tin ngoài các thông tin thống kê được thu thập, tổng hợp theo chế độ báo cáo thống kê định kỳ. Nội dung báo cáo thống kê khác thực hiện theo văn bản yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Báo cáo thống kê được lập trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tại địa chỉ https://csdl.moet.gov.vn và https://hemis.moet.gov.vn. Cơ quan, đơn vị thực hiện trích xuất báo cáo thống kê trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ra báo cáo điện tử (xác thực bằng ký số của Thủ trưởng) hoặc in bản giấy (có chữ ký của Thủ trưởng, đóng dấu) gửi báo cáo theo thời gian quy định trên từng biểu mẫu.