Hàng không tăng trưởng nóng, “anh cơ chế” đủng đỉnh

GD&TĐ - “Chính phủ sốt ruột. Bộ GTVT sốt ruột. Doanh nghiệp cũng rất sốt ruột. Hãng hàng không sốt ruột về phát triển hạ tầng cảng. Chỉ có mỗi “anh cơ chế” là cứ đủng đà đủng đỉnh. Vì vậy, cần phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thậm chí sửa đổi Luật Hàng không dân dụng để tạo sự phát triển bình đẳng, lành mạnh”.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất

Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, diễn ra ngày 11/12, đã nêu ra những áp lực lớn của ngành hàng không, trong đó vấn đề hạ tầng... được “mổ xẻ”, tìm giải pháp tháo gỡ.

Áp lực phát triển đè lên hạ tầng

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.

Mặc dù, duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng không có tai nạn gây tổn thất về người. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý Nhà nước và với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng hàng không thời gian gần đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, thị trường hàng không phát triển hết sức ấn tượng. Từ 2008 - 2019, tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá.

Như vậy, sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. So với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, quốc tế tăng 2,44 lần. Tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh nhưng hợp lý.

Từ thực tế phát triển của hãng, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương nói: “Đất nước ta có gần 100 triệu dân, tàu bay có 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 tàu bay, so sánh với Malaysia, Thái Lan còn rất khiêm tốn, nghĩa là nhu cầu tăng trưởng còn rất nhiều. Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào chúng ta duy trì được tăng trưởng được bền vững, an toàn, lành mạnh?”.

Đồng tình với nhận định trên, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng, thực trạng tăng trưởng cao đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng cao khiến chuyến bay kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế.

“Do đó, chúng tôi mong muốn hạ tầng đáp ứng kịp tốc độ phát triển... Hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo người lái cũng phải mất 5 - 6 năm, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí”.

Làm mẹ phải “đẻ” ra “miếng bánh” lớn

Ông Dương Trí Thành cho biết, hiện nay “từ khóa của chúng tôi là hạ tầng và bảo đảm an toàn để phát triển bền vững”. Điều đó không đơn giản bởi đẩy nhanh là nguy cơ mất an toàn xảy ra ngay. Slot (lượt cất, hạ cánh) là một vấn đề và an toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

“Chúng tôi mong muốn tăng trưởng nhưng phải an toàn. Các loại động cơ mới để tiết kiệm nhiên liệu hơn thì nóng hơn, nhiệt độ tăng cao trong khi vật liệu chưa được nghiên cứu và phát triển kịp gây nên những vấn đề rạn nứt, mất an toàn… Từ đó, vấn đề bảo đảm an toàn cũng được đặt ra”, ông Thành nhấn mạnh.

Cho rằng, hạ tầng hàng không hiện nay với hoạt động của các hãng đã là khó khăn, ông Đinh Việt Phương nêu ví dụ: “Miếng bánh” dành cho các hãng tại Tân Sơn Nhất hiện nay đang là 44 chuyến/ngày.

Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ “miếng bánh” bé thế làm thế nào chia? Đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, của Cục Hàng không Việt Nam. Chúng tôi vẫn đùa là những người làm cha, làm mẹ phải “đẻ” ra “miếng bánh” to hơn mới có thể chia cho các con.

Trao đổi về lý do vì sao chưa giải quyết xong bất cập về hạ tầng nhưng vẫn cấp phép cho các hãng hàng không mới, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, việc ra đời hãng hàng không mới là rất tốt. Thị trường Việt Nam có điều kiện phát triển, có tiềm năng và họ có khả năng, năng lực mới xin thành lập hãng.

Chúng tôi dự báo đến năm 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 150 - 180 triệu hành khách. Với thị trường tiềm năng như thế, việc ra đời hãng hàng không mới là xu thế tất yếu. Buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, khi các hãng hàng không mới ra đời, chúng ta cần đáp ứng tốt về hạ tầng.

“Các hãng mới này có quan tâm đến sân bay Tân Sơn Nhất không? Theo tôi chắc chắn là có. Nhưng vì hết slot nên họ không thể vào được. Vậy họ có sốt ruột về hạ tầng không? Tôi bảo đảm là có. Chính phủ sốt ruột. Bộ GTVT sốt ruột. Doanh nghiệp cũng rất sốt ruột. Hãng hàng không sốt ruột về phát triển hạ tầng cảng. Chỉ có mỗi “anh cơ chế” là cứ đủng đà đủng đỉnh. Vì vậy, cần phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thậm chí sửa đổi Luật Hàng không dân dụng để tạo sự phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Cần nhìn ra trong quá trình tăng trưởng, điểm nghẽn là gì? Vấn đề gì để thị trường giải quyết. Vấn đề gì để Nhà nước giải quyết? Rõ ràng, hạ tầng là vấn đề Nhà nước cần giải quyết. Hạ tầng hàng không hiện đang tắc nghẽn chủ yếu ở Tân Sơn Nhất. Điểm nghẽn này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của hàng không mà ảnh hưởng đến tăng trưởng du lịch và từ đó sẽ kéo theo nhiều thứ khác. Nếu cần giải quyết nhanh thì cần có giải pháp phi truyền thống.
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ