Hàng không, đường bộ "căng như dây đàn"; tàu hỏa hết vé

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) đang đối mặt với thách lớn chưa từng có về tình trạng ùn tắc ở cả bên trong và bên ngoài sân bay. Còn tàu hỏa chiều từ Sài Gòn ra Hà Nội đã hết vé.

Máy bay dày đặc tại Tân Sơn Nhất trong cao điểm Tết
Máy bay dày đặc tại Tân Sơn Nhất trong cao điểm Tết

Đi máy bay nhưng “chôn chân”... dưới đất!

Cao điểm Tết Nguyên đán từ 16 - 12/1/2017, tức là 2 tuần trước Tết và 2 tuần sau Tết, 28 ngày. Riêng với sân bay Tân Sơn Nhất, số lượng chuyến bay tăng đi/đến là 1.065 chuyến bay thương mại, tăng 7,7% so với lịch bay thường lệ.

Đáng nói, Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tình trạng ùn tắc trầm trọng ở cả trên không và dưới đất. Ở bên ngoài, các ngả đường dẫn vào sân bay luôn trong tình trạng kẹt cứng xe, việc di chuyển vô cùng khó khăn.

Bên trong khu vực nhà ga, lượng hành khách đổ về quá lớn khiến năng lực thông quan của sân bay này vốn quá tải nay lại càng bức bách hơn. Trong khi đó, máy bay trên bầu trời đi/đến Tân Sơn Nhất giăng kín và phải xếp hàng để cất - hạ cánh.

Đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có mật độ khai thác cao nhất trong 21 cảng hàng không cả nước vào dịp Tết nên tạo áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực của các đơn vị hoạt động khai thác tại đây.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Trong đợt cao điểm Tết Đinh Dậu năm nay, ngày cao điểm tại Tân Sơn Nhất đạt 807 chuyến/ngày, so với 726 chuyến/ngày dịp Tết Bính Thân năm 2016.

Trên cơ sở các nguyên tắc được tất cả các đơn vị đồng thuận, cơ quan chức năng đã phân bổ slot phục vụ các chuyến bay tăng chuyến dịp Tết cho các hãng hàng không Việt Nam (ngoài các chuyến bay thường lệ) với tổng số 131 slot/ngày tại Tân Sơn Nhất.

Nói về vấn đề “căng như dây đàn” ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, Cục trưởng Lại Xuân Thanh đề cập đến hoạt động động khai thác ban đêm để giảm tải cho sân bay này.

“Bay đêm là giải pháp tốt nhất trước mắt để giảm tải cho Tân Sơn Nhất trong bối cảnh hiện nay. Đây là khung giờ thấp điểm có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không. Việc bay đêm cũng giải tỏa được áp lực đi lại trên các cung đường đi vào sân bay”.

Hang khong - duong bo

Bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất cũng kẹt cứng (ảnh: Quốc Anh)

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho PV Dân trí biết: Tân Sơn Nhất đang là điểm “nóng” trong hoạt động khai thác hàng không.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, sân bay quá tải không thể đổ lỗi cho hành khách mà là do việc tổ chức quản lý và khai thác tại sân bay phối hợp chưa chặt chẽ.

“Cảng Hàng không phải phối hợp chặt chẽ lực lượng Cảnh sát giao thông để điều tiết, giải tỏa khi xảy ra ùn tắc, phải xác định đây chủ yếu là việc của cảng chứ không phải việc của riêng lực lượng Cảnh sát giao thông.

Thậm chí, nhân viên trong sân bay cũng phải có trách nhiệm với việc chung chứ không phải chỉ biết mỗi việc của mình, ví dụ như khi xảy ra ùn tắc thì nhân viên hàng không cũng phải biết cách điều tiết các dòng người ngược xuôi...” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Để giảm tải trong hoạt động làm thủ tục bay, Jetstar Pacific triển khai hệ thống phần mềm tích hợp trong máy tính bảng cầm tay và máy in nhỏ gắn trên người nhân viên, dịch vụ check-in “di động” sử dụng Internet không dây giúp hành khách làm thủ tục bay mà không cần xếp hàng ở quầy. Vietjet Air cũng giảm 40% giá vé cho hành khách lựa chọn bay các chuyến bay đêm từ ngày 20/1đến 7/2/2017.

Hết vé tàu chặng cao điểm, bến xe khách tăng đột biến

Hang khong - duong bo

Lượng khách đổ về các bến xe tăng đột biến trong dịp Tết (ảnh: Nguyễn Dương)

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, vé tàu trong cao điểm trước Tết chiều từ Sài Gòn đến Hà Nội các ngày từ 20/1 đến 26/1/2017 (tức ngày 23 - 29 tháng Chạp) cơ bản đã bán hết chỗ.

Từ ngày 17 - 19/1/2017 (tức 20 - 22 tháng Chạp) còn 7.276 chỗ đi từ ga Sài Gòn đến các ga Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội; 1.636 chỗ các ga từ Nha Trang đến Đà Nẵng đi Hà Nội.

Cao điểm sau Tết chiều từ Hà Nội đến Sài Gòn từ ngày 31/1 đến 12/2/2017 (tức ngày mùng 4 - 16 tháng Giêng âm lịch) còn 42.743 chỗ đi từ các ga Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh đến ga Sài Gòn.

Với hoạt động vận tải bằng xe khách, nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết tăng cao đột biến. Đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 19/1 đến hết ngày 26/1/2017, vì đây là những ngày người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, về quê.

Dự kiến lượng khách qua các bến xe Hà Nội trong thời gian cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 sẽ tăng khoảng 30%- 50% so với ngày thường. Hiện các phương tiện vận tải tại các bến đang hoạt động bình quân với khoảng hơn 60% hệ số trọng tải phương tiện.

Tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130% - 180% so với ngày thường. Lượt xe dự kiến là 1.230 lượt xe/ngày, tăng 125% so với ngày thường.

Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 1.600 lượt xe/ngày, tăng 115% so với ngày thường.

Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 890 xe, tăng 115% so với ngày thường.

Lãnh đạo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, cho tới hôm nay (18/1) đã hết hạn đăng ký tăng giá vé và không có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá vé. Lượng khách sẽ bắt đầu dồn về các bến xe đông đúc từ ngày 20/1, tức 23 tháng Chạp.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.