Chiều 27/12, tại TP. Đà Nẵng, Báo Văn Hóa phối hợp với Tổng Cục Du lịch, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Hợp tác Hàng không – Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”.
Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp hàng không, du lịch trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tại chương trình, bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, trong năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đến Đà Nẵng đạt ước đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019...
“Có thể nói hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với cộng đồng trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại và gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến.
Nhờ vào sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không trong việc xúc tiến các đường bay quốc tế mới, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm, và các hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước”, bà Yến cho hay.
Quang cảnh hội thảo. |
Vị đại diện UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, Hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” là một cơ hội để cùng nhìn nhận về bức tranh tổng thể của hàng không và du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó đánh giá chính xác cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp để khôi phục và phát triển ngành du lịch và hàng không trong những năm tới.
“Về phía lãnh đạo UBND thành phố, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục hoạt động du lịch - hàng không trên địa bàn thành phố”, bà Yến nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mong các học giả, chuyên gia đóng góp ý kiến tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển du lịch.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các Bộ, ngành liên quan để đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, các địa phương nhằm tận dụng tốt hơn nữa cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và làm mới sản phẩm thu hút du khách, sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho Du lịch Việt Nam”, bà Thủy khẳng định.
Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho rằng, theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch.
Đưa chương trình nghệ thuật vào sân bay để phục vụ du khách. |
“Do vậy, liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành. Hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Sản phẩm du lịch tốt kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Những gói combo sản phẩm du lịch chất lượng phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền”, ông Khánh nói.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cũng đề nghị Hàng không và Du lịch tiếp tục “bắt tay” để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Trong đó gồm: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa bao gồm ẩm thực và di sản. Du lịch sinh thái bao gồm du lịch cộng đồng và du lịch đô thị bao gồm du lịch MICE.
Ngoài ra, để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại trong thời gian tới…