'Mỏ vàng' cho du lịch Đà Nẵng

GD&TĐ -Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 4.769 du khách Ấn Độ đến Đà Nẵng.

Kết nối doanh nghiệp Đà Nẵng và Ấn Độ. Ảnh: Sở Du lịch TP Đà Nẵng cung cấp.
Kết nối doanh nghiệp Đà Nẵng và Ấn Độ. Ảnh: Sở Du lịch TP Đà Nẵng cung cấp.

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng đã đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc đến các nước nhằm thu hút du khách. Trong đó, thị trường Ấn Độ, Trung Đông được xem là “mỏ vàng” đầy tiềm năng.

Đẩy mạnh khai thác thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 4.769 du khách Ấn Độ đến Đà Nẵng. Trước đó, thời điểm trước dịch Covid-19, lượng khách Ấn Độ đến Đà Nẵng là 13.017 người (năm 2019).

Tại chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, năm 2022 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 - 2022).

Trong thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường, các đường bay quốc tế, đặc biệt là thị trường Ấn Độ với việc tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, đón đoàn famtrip, presstrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Cũng theo bà Hạnh, thị trường Trung Đông, đặc biệt là 9 quốc gia trọng điểm trong Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 – 2025” là một trong những thị trường mang tính chiến lược trong hợp tác và phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả và thu hút các thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông đến Đà Nẵng trong thời gian tới, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đã phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch thành phố, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch, các khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không liên kết xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, trong đó có sản phẩm du lịch cưới, du lịch nghỉ dưỡng phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách Ấn Độ và Trung Đông.

“Từ tháng 10/2022, việc mở hai đường bay thẳng đầu tiên từ hai thành phố lớn và quan trọng nhất của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng của hãng hàng không Vietjet Air sẽ là tiền đề thuận lợi để trao đổi, kết nối nguồn khách giữa các điểm đến.

Bên cạnh đó, thành phố dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác tại các quốc gia Trung Đông (Doha và UAE) để giới thiệu du lịch Đà Nẵng và sớm mở lại đường bay trực tiếp Doha – Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục kết nối với Đại sứ quán, Lãnh sự quán để hỗ trợ xúc tiến du lịch giữa hai bên”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Subhash Prasad Gupta - Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh, hai nước Việt Nam - Ấn Độ có sự kết nối lâu đời về văn hóa. Theo đó, mối quan hệ hai bên đã bắt đầu từ trước Công nguyên với sự trao đổi thương nhân - tu sĩ và sẽ tiếp nối bởi sự phát triển của Phật giáo và yoga, cùng chia sẻ nền văn hóa lúa nước trong ẩm thực.

Về du lịch, đây là tiền đề để phát triển những kết nối quan trọng trong việc giao lưu văn hóa và trao đổi phong tục tập quán của nhân dân hai nước…

Thiết kế phòng cầu nguyện cho du khách Ấn Độ

Trong 8 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến Đà Nẵng đã có xu hướng tăng mạnh và đang trên đà khôi phục với tổng lượt khách lưu trú ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 125% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 221 nghìn lượt, tăng 145%; khách nội địa hơn 2,14 triệu lượt, tăng 124%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 4.939 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Như - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho rằng, đơn vị sẽ thiết kế phòng cầu nguyện để phục vụ khách Ấn Độ cũng như khuyến khích cơ sở ăn uống có những thức ăn, đồ uống phù hợp cho nguồn khách này. Phòng cầu nguyện gồm hai khu vực riêng biệt dành cho nam và nữ, được trang bị đầy đủ tiện nghi gồm khu vực cầu nguyện chính, tủ giày, khu rửa chân và phòng tắm…

Bên cạnh đó, đối với chuyến bay của hãng Vietjet Air kết nối địa phương như Mumbai, New Delhi, Bengaluru, Hyderabad và Ahmedabad, đơn vị sẽ có những hỗ trợ tuyên truyền chào đón đường bay, quảng cáo miễn phí tại xung quanh đường phố thuộc sân bay Đà Nẵng hay trang thông tin thuộc đơn vị.

Để chuẩn bị cho việc đón khách Ấn Độ vào Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị Sở Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch và hãng hàng không, sân bay, công an cửa khẩu phối hợp để làm visa cửa khẩu cho khách Ấn Độ ngay tại sân bay.

Đồng thời, có chính sách đưa lao động đầu bếp Ấn Độ vào Đà Nẵng, các khách sạn, nhà hàng phải phục vụ được quầy bếp Ấn Độ với quy mô lớn, chuyên món Ấn Độ. Còn các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng tạo ra sản phẩm chuyên cho thị trường này và xúc tiến gửi khách Việt Nam qua Ấn Độ để duy trì đường bay.

Ông Subhash Prasad Gupta - Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng hy vọng, TP Đà Nẵng sẽ có những cơ chế cho đoàn làm phim Ấn Độ đến địa phương như visa, chính sách hỗ trợ… Tức là các bộ phim sẽ có những phân cảnh được quay tại Đà Nẵng, là cơ hội vàng để “nền công nghiệp không khói” của Đà Nẵng được người dân Ấn Độ biết đến thông qua phim ảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.