Hàng hóa dồi dào, vì sao nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn không mua được?

GD&TĐ - Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thực tế nguồn hàng hóa tại các địa phương cung ứng cho TP dồi dào tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng nhiều người dân chưa tiếp cận được.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa trong mùa dịch. Ảnh minh họa.
Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa trong mùa dịch. Ảnh minh họa.

Chiều 30/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin, trên thực tế nguồn hàng hóa tại các địa phương cung ứng cho Thành phố dồi dào tuy nhiên trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng nhiều người dân chưa tiếp cận được.

Phân tích lý do, ông Phương chỉ ra, hiện Thành phố đã đóng cửa gần hết các chợ truyền thống (chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động) nên ở những khu vực đông dân cư, có ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi việc cung ứng thực phẩm gặp khó khăn.

Khi các chợ ngưng hoạt động, áp lực mua sắm của người dân dồn lên hệ thống phân phối hiện đại. Trước đây thời gian hoạt động tại các cửa hàng này thường từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm hoặc 12 giờ đêm.

Cùng với đó, việc Thành phố không cho người dân ra khỏi nhà từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau nên tất cả các đơn vị phân phối, cung ứng thực phẩm cũng phải điều chỉnh khung giờ phù hợp.

Hiện nay các hệ thống này chỉ hoạt động từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nên thời gian mua sắm của người dân ngắn lại, cùng với việc số lượng điểm bán giảm. Do đó, việc đưa hàng hoá đến người dân gặp khó khăn rất nhiều.

Các cấp, ngành đang nỗ lực trong việc cung ứng hàng hoá đến người dân. Cụ thể, Sở Công Thương đang triển khai 5 giải pháp nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.

Thứ nhất, nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống đã tạm ngừng hoạt động. Theo đó, với hướng dẫn của Sở về mô hình mẫu triển khai mở lại chợ truyền thống, ông Phương cho biết mức độ an toàn cao hơn nhiều so với siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện nay. Do đó Sở đang tích cực làm việc với các quận huyện để đôn đốc tiến độ triển khai.

Thứ hai, với những chợ không tổ chức được điểm bán có thể tổ chức ở khu vực lân cận, với điều kiện địa phương phải hỗ trợ tham gia. Việc tổ chức này có thể huy động sử dụng đội ngũ tiểu thương chợ truyền thống đang tạm ngưng ra bán và Sở Công Thương sẽ giới thiệu nơi cung ứng hàng hóa.

Thứ ba, tăng cường lượng hàng hóa cung ứng ở các điểm bán hiện nay bởi nhiều điểm bán hiện không có kho dự trữ, khi người dân mua nhiều sẽ dẫn tới thiếu hàng. Ở phương án này, một số điểm bán đang áp dụng bổ sung nguồn hàng bằng xe hai bánh nhằm di chuyển thuận lợi.

Thứ tư, chuyển đổi phương thức bán hàng. Theo đó, trước đây các siêu thịm cửa hàng tiện lợi bán trực tiếp cho người dân qua phát phiếu thì nay sẽ chuyển sang bán hàng đăng ký trước và các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market đã có kế hoạch triển khai. Với hình thức này, người dân sẽ đăng ký trước thông qua giỏ hàng (combo) và đơn vị cung cấp sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, thuận tiện hơn, số lượng nhiều hơn so với trước.

Thứ năm, tổ chức các điểm bán hàng lưu động cho một số địa bàn thực sự khó khăn. Hiện tại Sở Công Thương đã tăng đầu xe di động lên 50. Sở đang tiếp tục đang làm việc với các đơn vị tăng lên 100 xe phục vụ. Ở hình thức này, quận- huyện phải đứng ra đăng ký cho tiểu thương lấy hàng, chủ động bán, đồng thời địa phương phải tham gia giám sát nguồn hàng và giá cả.

Được biết, thành phố cũng đang chuyển đổi phương thức bán hàng. Theo đó, trước đây bán hàng trực tiếp qua phát phiếu, thì hiện nay là bán hàng theo đăng ký trước.

Cùng với Sở Công thương, các hệ thống Saigon Co.op, Bách Hoá Xanh, Vinmart… đã có kế hoạch và đã chuyển cho các quận huyện, TP Thủ Đức.

Hiện nay tại một số quận, huyện Sở Công thương cũng đang triển khai bán hàng lưu động. Đó là những khu vực thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hoá kịp thời, các đầu xe bán hàng lưu động đã tăng lên gấp đôi. Dự kiến ngày hôm nay (31/7) sẽ có 50 xe bán hàng lưu động hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.