Hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Ngày 23/12, tại TPHCM Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã tổ chức hội thảo đánh giá tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trong năm qua. 

 Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Đồng thời dự báo tình hình hàng giả, hàng nhái trà trộn thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường trung ương cho biết: Lực lượng quản lý thị trường mỗi năm kiểm tra và xử lý hơn 90.000 vụ vi phạm pháp luật. 

Số liệu thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm pháp luật, số vụ tăng khoảng 15% và số thu hiện nay lên đến gần 390 tỉ đồng, tăng 12%.

Một số lĩnh vực mà vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu khoảng 14.000 vụ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm bản quyền gần 18.000 vụ, gian lận thương mại trên 66.000 vụ. Qua số lượng và số vụ cho thấy tình hình diễn biến phức tạp.

Từ những con số thống kê chi tiết, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhận định: Thời gian qua nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 

Vì vậy, Hiệp hội phối hợp với Cục Quản lý thị trường cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công thương, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường công tác đấu tranh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái và hàng giả.

“Những tháng gần Tết, mức luân chuyển hàng hoá sẽ tăng cao phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Đây cũng là thời điểm mà các đối tượng lợi dụng tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và thực hiện các hành vi gian lận thương mại. 

Do đó, các doanh nghiệp cần có các giải pháp đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lí, phù hợp với cung cầu của thị trường. 

Tại Việt Nam thì hàng giả hàng nhái không nằm trong 1 mặt hàng nào, mà tràn lan ở nhiều mặt hàng, khoảng trên 31 ngành hàng bị làm giả, mặt hàng lớn nhất bị làm giả là mỹ phẩm, rồi đến các đồ điện tử, điện lạnh, những mặt hàng như nước giải khát, bia, rượu, thậm chí gas, xăng dầu...cũng bị làm giả rất nhiều. Vì vậy, các ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng”-ông Bảo nhận định.

Ông Đỗ Hồng Hải - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng: Để phòng chống hiệu quả việc hàng nhái, hàng giả lừa người tiêu dùng, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán, không cách nào khác cần có sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Thành công chỉ có khi có sự phối hợp đồng bộ của 3 bên là cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp. 

“Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác này. 

Vì vậy, tôi thiết nghĩ động các đơn vị trong ngành rượu bia, nước giải khát phải tập trung vào lĩnh vực này, đây cũng là vấn đề cần khẳng định, vì chúng ta không làm tốt thì rượu bia giả, nhái sẽ làm mất uy tín của chúng ta. Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cần phải quyết liệt làm. 

Có như thế chúng ta mới tự bảo vệ mình, bảo vệ người tiêu dùng cũng như đẩy lui vấn nạn hàng giả, hàng nhái mới dịp tết đến”- Ông Hải nêu quan điểm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ