Hàng giả, hàng cấm len lỏi lên mạng

GD&TĐ - Với số lượng khách mua hàng trên mạng đạt 49,8 triệu người, Việt Nam chính thức lọt top 6/10 thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tồn tại của những văn bản quản lý TMĐT lỗi thời, chồng chéo khiến hàng giả, hàng cấm vẫn có “cửa” len lỏi “lên web”.

Trang web bán hàng online có gần 100 triệu lượt truy cập năm 2018 liệu có kẽ hở để hàng cấm lọt vào?
Trang web bán hàng online có gần 100 triệu lượt truy cập năm 2018 liệu có kẽ hở để hàng cấm lọt vào?

Quản lý bằng văn bản lỗi thời

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương, đã thống kê năm 2018 tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt 70%, tăng nhẹ so với năm 2017. Đưa ra con số tổng doanh thu TMĐT của Việt Nam trong năm vừa qua đạt 2,26 tỷ USD, Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), cho biết mức tăng của TMĐT là 29,4% so với năm trước. Đáng chú ý là số lượng khách mua hàng trên mạng (qua các trang TMĐT) đã đạt 49,8 triệu người, Việt Nam chính thức lọt top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trước sự tăng nhanh chóng của hình thức mua - bán qua mạng, song việc quản lý TMĐT được chuyên gia cho rằng “đang đi sau thực tế diễn ra”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) chia sẻ tại một cuộc bàn luận về TMĐT do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức: “Tôi thấy bất ngờ bởi trong một thời gian dài, có rất nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh, quản lý lĩnh vực TMĐT. Độ phức tạp khiến lĩnh vực này chịu sự quản lý của nhiều cơ quan”.

Tuy nhiên, bà Chi Lan phân tích sự “giật mình” bởi: “Một hệ thống luật pháp với những văn bản pháp quy (điều chỉnh TMĐT) rất nhiều, nhưng lại rải rác, tản mạn, chia cắt giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, bởi các văn bản này do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Anh này ban hành quy định của lĩnh vực mình quản lý, anh khác lại ban hành quy định ở lĩnh vực khác. Các quy định ngay với các lĩnh vực liên quan nhưng không có sự kết nối với nhau thì thực hiện thế nào đây? Văn bản pháp quy khó thực hiện và có thể dẫn đến sự tùy tiện trong thi hành. Sự rối rắm của hệ thống văn bản pháp quy nếu không được xem xét và điều chỉnh lại, có thể sẽ gây khó cho sự phát triển của TMĐT”.

Cũng theo bà Chi Lan, có những văn bản pháp quy điều chỉnh lĩnh vực TMĐT được hình thành từ năm 2005 đến 2016, trải qua một thời gian quá dài, trong khi lĩnh vực TMĐT đã phát triển và thay đổi rất nhiều. Rất có thể trong số các văn bản pháp quy đã có những “cái” trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. “Thậm chí, có những văn bản không còn “đủ rõ”, “đủ minh bạch”, dẫn đến cái cũ - cái mới chồng chéo nhau, trùng lắp, phủ định nhau, khiến có thể nảy ra cách vận dụng văn bản pháp quy một cách tùy tiện từ phía doanh nghiệp, cũng như từ phía cơ quan quản lý TMĐT” - bà Phạm Chi Lan nêu.

Đừng để “cạn” dần niềm tin

Cục TMĐT&KTS mới đây khẳng định: Thời gian qua cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực TMĐT đã quan tâm đến các giải pháp để rà soát, thống kê, hay giảm thiểu thủ tục hành chính… Tuy nhiên, trong hội thảo gần đây, Cục TMĐT&KTS cũng chia sẻ việc minh bạch hay công khai những chính sách, quy định trên các website, để thông tin cho người mua biết các quyền và nghĩa vụ các bên hiện còn hạn chế.

Trong khi đó, các sàn giao dịch TMĐT vẫn hạn chế (cả về ý thức và nhân lực) để có thể kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn. Do đó, các vi phạm vẫn xảy ra, khiến lòng tin của người tiêu dùng đối với việc mua - bán trên mạng bị ảnh hưởng.

Thị trường TMĐT thay đổi liên tục, đã đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Đáng nói là các giao dịch mua - bán, dịch vụ TMĐT không chỉ ở phạm vi một quốc gia, việc mua bán xuyên biên giới qua mạng, sự tham gia của nhiều chủ thể TMĐT, khiến lĩnh vực này phức tạp về cách thức hoạt động, do đó rất khó kiểm soát.

Thực tế hoạt động TMĐT đang có những thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, giả mạo các doanh nghiệp uy tín lừa đảo người mua, gây thiệt hại kinh tế, giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động TMĐT và các doanh nghiệp chân chính.

Mấy ngày qua, một số báo điện tử đã đưa thông tin có thể tìm thấy hình ảnh linh kiện lắp ráp súng bắn đạn thạch, xuất xứ Trung Quốc, trên trang TMĐT Lazada và Shopee.vn. Theo mô tả thì đây là loại súng trường M4A1 (tỷ lệ 1:1). Tại website giao bán loại súng này, bên bán hàng mô tả đạn của súng là đạn thạch, khi ngâm trong nước sẽ nở ra kích thước 7mm, khi bắn sẽ bị vỡ, không gây sát thương nếu không bắn vào mắt. Tuy nhiên, trang Zing.vn đã đưa video cho thấy cảnh loại súng này được sử dụng có thể làm vỡ ca nhựa giòn. Thông tin cho biết đạn thạch được bắn ra từ súng bán trên các trang TMĐT này còn có thể làm thủng vỏ lon bia ở khoảng cách gần.

Phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với Tổng cục Quản lý Thị trường và Cục TMĐT&KTS để tìm hiểu ở góc độ quản lý, xử lý sự việc, nếu mặt hàng trên bị xếp vào loại hàng cấm, câu hỏi đặt ra là các trang web bán hàng như vậy liệu đã có những “lỗ hổng” quản lý như thế nào? Tuy nhiên, chưa có được thông tin hồi đáp.

Được biết, Shopee và Lazada được đánh giá là những website TMĐT thuộc top đầu tại Việt Nam về số lượng khách truy cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.