Hàng gia dụng làm từ dừa: Chinh phục thị trường “khó tính”

GD&TĐ - Những sản phẩm mỹ nghệ từ dừa ở Bến Tre trước đây phải chế tác thủ công hay bán thủ công nhưng hiện nay đã được sản xuất hàng loạt bằng các máy tự động CNC.

Huế My chuẩn bị nguyên liệu gáo dừa, sản xuất tô, chén.
Huế My chuẩn bị nguyên liệu gáo dừa, sản xuất tô, chén.

Việc chuyển đổi sang quy trình công nghệ này bắt đầu từ đôi vợ chồng trẻ - anh Lê Trọng Hiếu và chị Lê Thị Huế My. 

Sản phẩm đẹp, năng suất tăng

Xuất thân là kỹ sư cơ điện tử, anh Hiếu đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc đưa nhiều loại máy tự động CNC (Computer Numerical Control) vào sản xuất tại cơ sở mỹ nghệ dừa của gia đình mình ở xã Lương Quới, cũng như cơ sở của gia đình chị My ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm.

Vợ anh - chị My, giỏi về đồ họa vi tính, góp phần tạo ra nhiều mẫu mã mới lạ. Thế là hàng loạt sản phẩm từ gỗ dừa “ra đời” đẹp và chính xác từng chi tiết, quy cách, giống nhau như đúc trước sự kinh ngạc của bao người thợ lành nghề mà trước đây để làm nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, họ phải mất nhiều thời gian nhưng kích cỡ, vẻ đẹp sản phẩm thủ công không đồng đều.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ ở xã Lương Quới, Giồng Trôm cho biết trước đây làm thủ công ngày chỉ vài chục sản phẩm, nay có máy móc có thể sản xuất đến hàng trăm, hàng nghìn. Ngày nay, sản xuất bằng kỹ thuật số, có bản thiết kế, lập trình sẵn, mẫu mã nào cũng đáp ứng được. Có máy, nhân công cũng ít đi, giá thành sản phẩm giảm.

Thành công trong việc đưa máy tự động vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Hiếu nhận nâng cấp máy tiện bán thủ công thành máy tự động cho các cơ sở đang sử dụng.  

Ông Lê Văn Xinh, chủ một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Lương Quới cho biết: “Máy tiện cơ khí được nâng cấp tự động hóa, rất thuận lợi, đạt hiệu quả cao, sản phẩm như ý. Công suất tăng 4 - 5 lần so với máy bán thủ công”.

Một công nhân có thể điều khiển 2 - 3 máy, hoạt động bất kể ngày đêm. Hiệu quả của các loại máy tự động trong sản xuất hàng TCMN từ dừa lan nhanh, nhiều cơ sở ở Giồng Trôm, Châu Thành, TP Bến Tre rồi tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và cơ sở thủ công mỹ nghệ ở Thủ đô Hà Nội cũng tìm đến mua máy hoặc nâng cấp máy tiện bán thủ công về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với các loại gỗ khác nhau.

Sản xuất túi xách từ chỉ xơ dừa ép keo tại Công ty TNHH MTV tự động hóa Tùng Phát.
Sản xuất túi xách từ chỉ xơ dừa ép keo tại Công ty TNHH MTV tự động hóa Tùng Phát.

Mở cửa nhiều thị trường “khó tính”

Chị Lê Thị Huế My rất yêu thích những vật dụng được làm từ nguyện liệu dừa. Từ nhỏ chị đắm mình trong thế giới đồ chơi bằng lá, gỗ, trái dừa do cha của chị làm cho. Chị cũng có ước mơ khi lớn lên sẽ tiếp bước nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa của cha mình, làm ra nhiều sản phẩm đẹp từ nguyên liệu dừa hơn nữa.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thiết kế mẫu mã, chị không khỏi lo những sản phẩm này không tiêu thụ được nhiều. Sản phẩm mỹ nghệ được bày bán ở các khu du lịch, khách mua làm quà biếu hoặc lưu niệm.

Hàng mỹ nghệ từ dừa ở các gia đình thường dùng trang trí, làm đẹp, chưa thật sự được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Làm cách nào để hàng mỹ nghệ từ dừa được mua nhiều và sử dụng? Câu hỏi ấy cứ ở trong My nhiều tháng ngày mà chưa có lời đáp.

Rồi thông tin thế giới đang khủng hoảng vì rác thải nhựa, My bật lên ý tưởng sản xuất hàng gia dụng từ nguyên liệu gỗ, gáo dừa thay sản phẩm làm từ vật liệu nhựa và kim loại, hạn chế tối thiểu rác thải nhựa ra môi trường, cứu lấy hành tinh và sự sống của con người.

Dừa là tài nguyên bản địa của Bến Tre, là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, nguồn nguyên liệu ở đây rất dồi dào. Khai thác nguyên liệu gỗ, gáo dừa, giá thành sẽ thấp phù hợp với túi tiền nhiều người tiêu dùng. Sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, không gây hại như rác thải nhựa.

Phấn khởi với ý tưởng mới của mình về sản xuất hàng gia dụng từ dừa, chị thiết kế và lập trình trên máy tính đưa vào sản xuất thử tô, chén, dĩa, ly, bình, tách trà, túi xách...

Những mặt hàng mới này được chị đưa lên trang fanpage của Công ty Tùng Phát (do hai vợ chồng chị sáng lập) trên mạng xã hội, lập tức được nhiều khách hàng ở châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật... đặt mua; đồng thời họ cũng đưa nhiều mẫu mã hàng gia dụng khác. Các nước như SriLanka, Ấn Độ, Thái Lan trước đây mua hàng gia dụng từ dừa nơi khác, nay chuyển sang Việt Nam vì họ thích.

Với My, để bảo đảm hàng gia dụng từ dừa được sử dụng an toàn, các sản phẩm do công ty chị làm ra hoàn toàn không sử dụng sơn hoặc chất bảo quản mà chỉ lau bóng bằng dầu dừa được ép từ da cơm dừa nên rất an toàn cho việc dùng đựng thực phẩm.

Hiện nay, khách hàng đặt mua hàng mỹ nghệ gia dụng từ nguyên liệu dừa đã nhiều. Thị trường chính là xuất khẩu sang châu Âu (nhiều nhất là Đức), Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật... Hàng tháng công ty xuất hơn 200 mặt hàng gia dụng từ dừa. Số lượng xuất từ 3 - 4 container. Khách nước ngoài chuộng hàng từ gáo dừa.

Khách trong nước chuộng hàng gia dụng bằng gỗ dừa. Với nhà hàng quán ăn, đây là điểm nhấn khác biệt trong phục vụ thực khách chuộng vật dụng từ thiên nhiên. Với các bà mẹ, đây là sản phẩm không dễ vỡ, gây mất an toàn cho con trẻ” - My cho biết.

Hàng gia dụng từ dừa được tiêu thụ mạnh, nhiều xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa ở Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành... đã hợp tác với Công ty Tùng Phát sản xuất hàng gia dụng từ dừa.
Ngày càng có thêm nhiều lao động ở các địa phương được tạo việc làm tại các xưởng. Ngoài ra, nhiều phụ nữ có con nhỏ, người già được My cho nhận hàng về gia công tại nhà. Tính ra, có 150 lao động (không kể lao động thời vụ) có việc làm ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ