Sau khi thông báo loại bỏ câu hỏi “hóc búa” khỏi đề thi đại học, Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây đã công bố một kế hoạch toàn diện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính từ giáo dục tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, ông Lee Ju-ho cho biết Bộ sẽ phối hợp với kênh truyền hình giáo dục quốc gia EBS để xây dựng chương trình bài giảng trực tuyến.
Qua đó, học sinh có thể tự học tại nhà theo tốc độ riêng và lựa chọn những nội dung học phù hợp với kiến thức, thành tích cá nhân. Bài giảng trực tuyến là miễn phí và phạm vi bài giảng sẽ được mở rộng cho học sinh ở các cấp học khác nhau.
Bộ cũng dự kiến xây dựng chương trình giảng dạy bổ sung sau giờ học tại trường hoặc các chương trình hỗ trợ giáo dục bằng cách hợp tác với chính quyền địa phương và các trung tâm giáo dục tư nhân.
Động thái trên được đưa ra sau khi Hàn Quốc ghi nhận mức chi tiêu cao kỷ lục 26 nghìn tỷ won (tương đương 19,9 ỷ USD) cho giáo dục tư nhân vào năm 2022. Trong đó, phụ huynh chi nhiều tiền nhất cho các khóa học Tiếng Anh và Toán để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực đại học Suneung.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục, năm 2022, học sinh từ tiểu học đến trung học đã chi trung bình 410.000 won mỗi tháng, đánh dấu mức tăng 50,9% so với mức chi tiêu năm 2017.
Trước đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ loại bỏ câu hỏi “hóc búa” khỏi đề thi đánh giá năng lực đại học Suneung vì đây là những câu hỏi sử dụng kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa.
Sau khi xem xét các câu hỏi trong đề thi Suneung ba năm liên tiếp và qua một bài thi thử hồi tháng 6, Bộ Giáo dục nhận thấy trung bình một đề thi có khoảng 22 câu hỏi “hóc búa”.
Đơn cử, một câu hỏi khó đề thi Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc yêu cầu thí sinh trình bày khái niệm triết học hiện đại, trong khi một ngữ liệu môn Tiếng Anh được trích dẫn từ bài báo có chủ đề “Đạo đức người máy” do Học viện Công nghệ Massachusetts xuất bản.
Bằng cách loại bỏ các câu hỏi khó, Bộ Giáo dục hy vọng sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho học sinh Hàn Quốc, đặc biệt là với những học sinh không có điều kiện học thêm tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã nhận được phản ánh về một số trường hợp trục lợi từ các câu hỏi “hóc búa”. Cụ thể, theo nguồn tin của Chính phủ Hàn Quốc, một số giáo viên, giảng viên tham gia vào ban ra đề đã bán câu hỏi cho các tổ chức giáo dục tư nhân. Điều này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu học thêm trước các kỳ thi quan trọng.
Bộ Giáo dục sẽ thành lập “Ủy ban giám sát mức độ của đề thi Suneung” nhằm kiểm soát số lượng câu hỏi khó, mức độ khó trong đề thi đại học. Bộ cũng sẽ rà soát những giáo viên nằm trong ban ra đề thi cũng như việc tiết lộ thông tin cho các tổ chức tư nhân từ năm 2024.
Nếu tình trạng ra đề khó vẫn tiếp tục diễn ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cảnh báo sẽ yêu cầu các trường đại học giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ Giáo dục cũng sẽ xem xét các chương trình ngoại khóa đắt đỏ, vấn đề học thêm từ mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp Một hay các lớp học tiếng Anh tư nhân dành cho trẻ nhỏ...
Nằm trong kế hoạch giảm phụ thuộc vào giáo dục tư nhân, các trường đại học sẽ thành lập dịch vụ tư vấn miễn phí cho học sinh phổ thông. Trong đó, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ phổ biến những thông tin liên quan đến trường học và xét tuyển. Điều này giúp học sinh ở mọi hoàn cảnh đều có cơ hội tiếp cận với thông tin tuyển sinh, định hướng ngành nghề tương lai.