Hàn Quốc đẩy mạnh chính sách thu hút sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Hàn Quốc đã công bố chính sách 'Study Korea 300K' nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế từ nay đến 2027.

Trường Đại học thành phố Seoul. Ảnh: INT
Trường Đại học thành phố Seoul. Ảnh: INT

Trong khi các điểm đến hấp dẫn như Úc, Canada, Hà Lan, Vương quốc Anh đang áp dụng biện pháp để làm chậm hoặc đảo ngược sự gia tăng sinh viên nước ngoài, thì một số nước châu Á đặc biệt là Hàn Quốc lại đang đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy tuyển sinh quốc tế.

Hàn Quốc đã công bố chính sách “Study Korea 300K” nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế từ nay đến 2027, đồng thời trở thành 1 trong 10 điểm đến du học hàng đầu thế giới.

Để đạt mục tiêu này, kế hoạch xoay quanh một số vấn đề, như tăng việc làm bán thời gian cho sinh viên quốc tế theo học chương trình ngôn ngữ hoặc cử nhân từ 20 giờ/tuần lên 25 giờ/tuần; chương trình thạc sĩ và tiến sĩ có thể làm việc 35 giờ vào các ngày trong tuần.

Đến năm 2025, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho phép sinh viên quốc tế ở lại nước này tối đa 3 năm để tìm việc làm. Cấp phép thêm một số công việc mà sinh viên quốc tế có thể làm...

Chương trình Học bổng Toàn cầu Hàn Quốc (GKS) đang được mở rộng để tăng gấp đôi số lượng học bổng dành cho sinh viên, trong đó nhiều ưu tiên dành cho người theo học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Số suất học bổng của chương trình sẽ được tăng lên thành 6.000 so với mức hơn 4.500 vào năm trước. Trong đó, số học bổng cho sinh viên các môn STEM sẽ được nâng lên thành 2.700, gấp đôi so với năm 2022.

Sinh viên tốt nghiệp ngành STEM sẽ được ưu tiên xét cấp thường trú, và sinh viên sau đại học sẽ được giảm thời gian cư trú từ 6 năm xuống còn 3 năm để nộp đơn xin thường trú.

Ngoài ra, các trường đại học Hàn Quốc chấp nhận nhiều bài kiểm tra hơn để chứng minh trình độ tiếng Hàn, và cũng có một đề xuất về việc hạ thấp trình độ yêu cầu trong Bài kiểm tra năng lực tiếng Hàn (TOPIK) đối với sinh viên quốc tế.

Một số cơ quan truyền thông đã bày tỏ lo ngại của các học giả Hàn Quốc rằng những biện pháp được sử dụng để thúc đẩy chiến lược “Study Korea 300K” - chẳng hạn như nới lỏng các yêu cầu về ngôn ngữ và theo đuổi tỷ lệ tăng trưởng tuyển sinh quốc tế hàng năm cao có thể gây quá nhiều áp lực cho các trường đại học trong việc hỗ trợ sinh viên.

Ông Song Ki-chang - Giáo sư danh dự về quản lý giáo dục tại Đại học Nữ sinh Sookmyung chia sẻ với University World News rằng: “Việc thu hút sinh viên quốc tế bằng cách nới lỏng các điều kiện tuyển sinh có thể hiệu quả để đảm bảo số lượng sinh viên mới. Nhưng nếu trình độ ngôn ngữ của họ không đủ thì chi phí giáo dục cho nền giáo dục chất lượng có thể trở thành gánh nặng tài chính khác”.

Đầu năm nay, khi có đề xuất hạ thấp tiêu chí xét chứng nhận “Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế” cho các trường đại học Hàn Quốc, ông Jun Hyun Hong - Giáo sư chính sách công tại Đại học Chung-Ang cho biết: “Tôi lo ngại rằng việc theo đuổi một mục tiêu quá mức có thể dẫn đến việc tuyển sinh sinh viên quốc tế một cách bừa bãi, điều này có khả năng làm giảm chất lượng của sinh viên quốc tế”.

Hàn Quốc nổi tiếng là thị trường khó khăn đối với sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp muốn tìm việc làm. Tờ Korea JoongAng Daily đưa tin: “...trong số 7.321 sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường đại học hoặc cao đẳng nghề vào năm 2023, chỉ có 8,2% có việc làm tại Hàn Quốc, thông tin được đưa ra từ Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc”.

Kumar Suraj - sinh viên người Ấn Độ tốt nghiệp Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Hanyang, được trích dẫn trên Asia News Network vào năm ngoái nói rằng có một “khoảng cách giữa giáo dục và việc làm”.

“Nhiều sinh viên nước ngoài thấy khó theo đuổi các vị trí tuyển dụng chấp nhận ứng viên nước ngoài. Họ có thể tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các trang web, cổng thông tin, nhưng hầu hết các bài đăng đều tập trung vào việc tuyển dụng người Hàn Quốc”, Kumar Suraj cho biết.

Hàn Quốc nói chung đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Dữ liệu của chính phủ công bố vào tháng 7/2024 cho thấy “số lượng người Hàn Quốc không có việc làm hoặc đang tìm việc làm đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong nửa đầu năm nay”.

Chính phủ Hàn Quốc đang cạnh tranh với các điểm đến đầy tham vọng khác ở châu Á và họ biết phải tăng cường nhiều giải pháp giữ chân sinh viên quốc tế.

Tạp chí University World News đưa tin vào năm 2023: “Tỷ lệ định cư của sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Hàn Quốc thấp so với một số quốc gia khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng họ thiếu động lực để ở lại”.

Theo Icef monitor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.