(GD&TĐ) - Mỗi khi có dịp đặt chân đến Vỹ Dạ - Huế, mảnh đất thuộc vùng ngoại ô, nơi được xem là “cố đô” của nhà vườn, của phủ đệ, của giai nhân... Với cảm giác háo hức khám phá, không ai không nhớ bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ - một tuyệt tác của Hàn Mạc Tử...
Thôn Vỹ... bây giờ
Nơi đây ngày xưa là nhà cô Hoàng Cúc |
Trưa tháng chín, bão số 8 vừa tan, tôi đi giữa thôn Vỹ, dưới cái nắng gay gắt hơi đất ngùn ngụt. Rẽ vào đường Nguyễn Khoa Vy lúc học sinh Trường THCS Vỹ Dạ tan học, đường chật, dọc ngang ngõ tắt như bàn cờ. Lên phố nhưng nhiều con hẻm lầy lội, nhu cầu xây dựng nhà cửa tăng cao, xe chở vật liệu cày nát đường bê tông...
Hơn chục năm rồi, thôn Vỹ lên phố, người ta nhại thơ Hàn Mạc Tử như sau: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn giá nhà lên, giá đất lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ...tiền”. Thôn Vỹ bây giờ hết vườn tược tre trúc, chia năm xẻ bảy manh mún, nhà lầu, biệt thự mọc lên san sát...Tội nghiệp ngôi đình làng nằm lọt thỏm giữa những nhà cao tầng, mặt tiền bị án ngữ bởi ngôi trường THCS và một cơ sở gì đó đang xây dựng. Tôi muốn chụp vài kiểu ảnh mà không biết chọn góc máy chỗ nào!
Đang vòng vèo, bỗng gặp nhà thơ Trần Vàng Sao, ngồi nhậu lai rai với mấy người tôi quen, tôi hỏi anh: “Nhà chị Hoàng Cúc trong hẻm chùa Phước Huệ phải không anh?”. Gật đầu, anh xác nhận: Đúng đúng, bên cái điểm kinh doanh bi da biển hiệu Rôn đó...Tôi cảm ơn rồi phóng xe đi tiếp, rất nhiệt tình anh nói vói theo: Em vô đó làm chi, họ đi hết rồi, còn ai nữa...
Đến số nhà 24/12, tôi gặp một phụ nữ trung niên đang phơi hương trầm, tôi hỏi: “Đây phải nhà cô Hoàng Cúc?”. Chị ấy ngẩn ngơ trả lời “Tui không rõ, chỉ nghe nói là nhà cô Mai”. Chưa vội, tôi ghé vào một quán giải khát, liền kề tường rào nhà cô Hoàng Cúc. Hỏi thăm cụ bà tuổi ngoài 80 đang trông quán: “Cụ ơi có phải bên kia là nhà cô Hoàng Cúc không?”, cụ trả lời giọng là lạ “Tui không biết, tui dưới biển mới lên đây ở”. Nhìn vào ngôi nhà mà Hàn miêu tả “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”... Trời! vườn đâu còn xanh như ngọc, trúc đâu mà trúc...Chưa hết, trong hẻm bên nhà là tiệm cắt tóc, mấy cô đi ra đi vô, nhìn nhìn ngó ngó...má phấn môi son, chẳng thấy ai “mặt chữ điền”. Bây giờ thôn Vỹ có 70% dân ngụ cư, đa số là người vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế lên, tiếp đến là công chức, cán bộ phía bắc Trung bộ vào...
Sau khi cô Hoàng Cúc mất khá lâu (ngày 3/2/1989), nay chỉ một số người cao tuổi ở Huế còn nhớ cô, ở hai cương vị: Cô giáo trường Trung học Đồng Khánh - Huế (nay là THPT Hai Bà Trưng) và nữ cư sĩ Phật giáo. Còn nhà thơ tài hoa bạc mệnh, may sao thôn Vỹ có đường mang tên Hàn Mạc Tử nằm ven sông Như Ý, tập trung nhiều tiệm bán cơm hến cho du khách. Hàng ngày, để “tiếp thị” cơm hến Vỹ Dạ, khách ăn uống được “khuyến mãi” giọng ca Lệ Quyên nức nở: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho/Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ/Ai mua trăng, tôi bán trăng cho/Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò...”.
Ngày xưa sương khói
Cô Hoàng Cúc lúc ở Qui Nhơn |
Nhân vật “thơ” Hoàng Hoa, Hoàng Cúc tên đầy đủ là Hoàng Thị Kim Cúc, một thiếu nữ Huế cùng gia đình tạm trú ở đường Khải Định - TP Qui Nhơn (1932 - 1936). Cô sinh ngày mồng 8/11 năm Qúy Sửu (5/12/1913). Cha là cụ Hoàng Phùng, mẹ là bà Tôn Nữ Thị Khuê, chánh quán làng Xuân Tùy (?) và trú quán tại thôn Vỹ Dạ - Huế. Gia đình cô Kim Cúc là một gia đình lễ giáo. Cha của cô Kim Cúc thi đỗ Tú Tài Hán học kiêm cả Tây học, vào Qui Nhơn làm Tham Tá Sở Địa Chính.
Khi gia đình cô sống tại Qui Nhơn, Hàn Mạc Tử gặp và kết bạn với Hoàng Tùng Ngâm (cùng tuổi với Hàn) - em chú bác ruột với Kim Cúc và đang ở chung một nhà với cô. Sau này ông Hoàng Tùng Ngâm (sinh 1912 - mất 1976) tập kết ra Bắc, đổi tên thành Hoàng Thanh Trai nguyên đại sứ tại Ai Cập và Sri Lanka. Việc đó, ngày 13/3/1971 trong thư gửi đến nhà thơ Quách Tấn, cô nói khá rõ: “Hồi đó Tử thường đến chơi với Hoàng Tùng Ngâm là em chú bác với tôi. Bạn của Ngâm đông lắm, trong gia đình tôi, không ai để ý đến bạn của Ngâm. Câu chuyện tâm tình của Tử, trừ Ngâm ra, cũng không ai biết. Tôi chỉ biết trước khi thầy tôi sắp về hưu, do một người bạn khác nói lại, chứ không phải Ngâm”.
Với Hàn Mạc Tử - nhu cầu yêu - dù yêu đơn phương, luôn mãnh liệt. Giả sử thiếu vắng tình yêu có lẽ đã không có một trong những nhà thơ tình lớn của thế kỷ XX. Trong di sản ông để lại cho hậu thế, đáng chú ý là hàng loạt bài thơ tình cực hay, được biết nhiều nhất là Đây thôn Vỹ Dạ, bởi tình yêu là nhân tố kích thích sự thăng hoa của ông trên đỉnh cao nghệ thuật. Không một nhà thơ tình nào cùng thời (kể cả “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu), có cách nói với người yêu “đắm đuối” như Hàn:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.
Đáng tiếc cho ông, người Huế có câu: “Khó nhất đốn tre, nhì ve (cưa) gái”! Lúc gặp Hoàng Cúc, Hàn còn rất trẻ (20 tuổi), kinh nghiệm về phụ nữ chỉ giới hạn trong những tiếp xúc ít ỏi, bẽn lẽn, rụt rè... Sững sờ trước vẻ ngây thơ của Hoàng Cúc (kém Hàn 1 tuổi), thơ Hàn chuyển từ chủ nghĩa lãng mạn thơ mộng sang một phong cách hiện đại, với các giá trị truyền thống của văn hóa Á Đông. Tình yêu thầm kín ấy tạo nguồn cảm hứng, để Đây thôn Vỹ Dạ ra đời.
Khi Hoàng Cúc về Huế, ông tỏ tình vương vấn bằng cách lồng vào thơ những từ hoàng hoa”, là cử chỉ nghệ thuật công khai tình cảm sâu nặng của mình:
Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía
Ôi Hoàng hoa, hồn phách đến nơi đây
Hương ân tình cho kết lại thành dây
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu...
Như vậy, “BÓNG HỒNG TRONG ĐÂY THÔN VỸ DẠ” - Không ai khác là Hoàng Thị Kim Cúc (Hoàng Hoa - Hoàng Cúc), người thử thách Hàn Mạc Tử với những khái niệm nghệ thuật của chính ông.
(Còn nữa)
Vũ Hào