Phối cảnh nút bờ Tây sông Hàn khi hầm chui hoàn thành, miệng hầm được khoanh đỏ.
Theo đó, công trình hầm chui qua sông Hàn nối thẳng từ nút giao Đống Đa – 3 Tháng 2 (quận Hải Châu) qua sông kết nối với đường Vân Đồn (quận Sơn Trà).
Hầm chui có tổng chiều dài 1.405m. Trong đó, phần hầm kín dài 1.005m, phần hầm hở mỗi bờ 200m. Vị đại diện này cho hay, độ dốc dọc trong hầm kín 2%, đoạn hầm hở 2 đầu 4%. Độ dốc này hoàn toàn đảm bảo theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07-2016.
Tốc độ thiết kế qua hầm là 60km/h. Chiều rộng mặt cắt ngang hầm đảm bảo mỗi chiều 3 làn xe cơ giới. Trong tương lai, Đà Nẵng có thể khai thác loại hình xe buýt nhanh (BRT) kết nối với hầm.
Ngoài ra, trong hầm còn có khoang thoát hiểm, đồng thời là khoang bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật riêng ở giữa với bề rộng 2m, đảm bảo an toàn và mỹ quan trong hầm.
Hầm chui nối thẳng từ nút Đống Đa - 3 Tháng 2 qua sông kết nối với đường Vân Đồn.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, chiều 27/12, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp, thống nhất phương án làm hầm chui thẳng qua sông Hàn (thay đổi thiết kế hầm cong trước đó cũng do BRITEC báo cáo), khởi công trong năm 2018 và dự kiến kéo dài 36 tháng. Trong phương án này, Đà Nẵng dự kiến giải tỏa 210 hộ dân thuộc diện ảnh hưởng 2 đầu hầm chui.
Về kinh phí 4.700 tỷ đồng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí thông tin, sẽ có một phần từ vốn ngân sách TP. Đồng thời, Đà Nẵng bố trí thêm vốn từ quỹ đất, vốn vay.
“UBND TP sẽ điều tiết tỷ lệ các nguồn vốn tùy thuộc vào tiến độ xây dựng công trình và diễn biến thị trường”, ông Trí nói.