Ngày 25/4, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đã giao các sở Y tế, Tài chính làm rõ nội dung mua sắm nêu trên; tuy nhiên, trước mắt tỉnh tập trung cho công tác phòng chống dịch, nên dự kiến đến ngày 3/5 sẽ nghe báo cáo.
"Trường hợp cần thiết sẽ giao cơ quan chức năng thanh tra toàn bộ việc mua sắm này. Nếu có sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật", ông Thanh nói.
Cuối tháng 3, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phân bố kinh phí cho Sở Y tế hơn 7,5 tỷ đồng để mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Trong đó có máy tách chiết DNA/RNA tự động và máy chia mẫu tự động cùng hãng sản xuất Qiagen, xuất xứ Thụy Sỹ; máy Realtime PCR, hãng Qiagen, xuất xứ Malaysia.
Sở Y tế lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, thương thảo với nhà cung cấp với giá hơn 7,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế xác nhận thông tin này và nói "quá trình thực hiện, Sở Y tế làm đúng quy định, không có khuất tất".
Ngày 1/4, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam bắt đầu vận hành các thiết bị nêu trên.
Tại Quảng Ninh, ngày 24/4, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động và các thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; báo cáo trước ngày 30/4.
Thanh tra tỉnh cũng được yêu cầu vào cuộc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định quy trình mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động được thực hiện "công khai, giá cạnh tranh và đúng quy định".
Theo cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, tỉnh này chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm với nhà cung cấp. Thông tin ban đầu nhà cung cấp đưa ra, giá của bộ thiết bị này (gồm máy xét nghiệm và bộ tách chiết mẫu) "đều thấp hơn khoảng trên dưới 2 tỷ đồng so với mức giá 7 tỷ đồng mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã mua sắm".
Tại Nghệ An, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế đầu tư hệ thống xét nghiệm Covid-19 và được lãnh đạo tỉnh chấp thuận; kinh phí "không quá 8 tỷ đồng ".
Sáng 25/4, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, mặc dù đã có chủ trương song "chúng tôi chưa vội vàng trong việc mua sắm", bởi áp lực về lượng mẫu phẩm xét nghiệm nCoV giảm dần và công suất các máy xét nghiệm hiện có ở Nghệ An đáp ứng được.
"Chúng tôi chưa mua và chưa khẳng định giá mua là bao nhiêu. Tới đây, nếu mua hệ thống xét nghiệm thì đơn vị sẽ cho đấu thầu rộng rãi, minh bạch để tránh tiêu cực", ông Chỉnh nói.
Cuối tháng 3, CDC Nghệ An nhận được máy Realtime PCR từ Bộ Y tế, do một tập đoàn tài trợ; tuy nhiên công suất thiết bị này thấp. Theo một Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, gần đây địa phương này được cho mượn thêm máy xét nghiệm với công suất lớn hơn, song về lâu dài tỉnh vẫn cần đầu tư trang thiết bị hiện đại, có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm. "Do vậy, tỉnh đã duyệt phương án đầu tư hệ thống xét nghiệm mới", vị này nói.
Ngày 22/4, liên quan gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động ở Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng".
Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) và 6 người với cáo buộc gian lận mua máy xét nghiệm Covid-19.
Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.