Hải Phòng sẵn sàng vào năm học mới

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới, thầy cô giáo tại Hải Phòng tranh thủ tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật phần mềm để đổi mới, nâng cao chất lượng môn học.

Ngành Giáo dục huyện An Lão với chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong dạy học.
Ngành Giáo dục huyện An Lão với chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong dạy học.

Đặc biệt, nhiều đơn vị đã tranh thủ ý kiến chuyên gia, giảng viên đầu ngành, cùng đồng nghiệp sinh hoạt chuyên môn sẵn sàng cho năm học mới.

Trau dồi chuyên môn

Trong dịp hè, không chỉ tham gia tập huấn cùng đồng nghiệp, cô Phùng Thị Hoà - giáo viên Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An còn tranh thủ thời gian tự trau dồi, tích luỹ kiến thức qua tài liệu trên Internet. Cô Hoà cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, học sinh không chỉ lĩnh hội kiến thức qua bài giảng của thầy cô mà có kênh thông tin để tìm hiểu, học tập. Người thầy muốn khẳng định được vị thế của mình cần đổi mới và không ngừng học tập.

Chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng vào năm học mới, Phòng GD&ĐT quận Kiến An đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyển đổi số và công tác chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên.

Bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An cho biết, với từng cấp học sẽ có chuyên đề bồi dưỡng riêng. Cụ thể, mầm non sẽ có 2 chuyên đề tập trung vào nội dung nâng cao nghiệp vụ quản lý; chỉ đạo, thực hiện chuyên môn với nhà trường và giáo viên. Cấp tiểu học và THCS đi sâu vào bồi dưỡng môn Tiếng Anh, thực hiện Chương trình GDPT 2018 và nâng cao quản lý, chỉ đạo chuyên môn trong nhà trường.

“Đây là dịp để cán bộ, giáo viên trong toàn quận trau dồi bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và cũng là cơ hội để thầy cô cùng giao lưu, trao đổi sâu về chuyên môn của từng môn học cụ thể”, bà Tuyết chia sẻ.

Tại Hội thảo Bồi dưỡng, tập huấn thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ quản lý, giáo viên thuộc 7 trường THCS trong quận Kiến An, bà Phạm Thị Thu Hà - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Hải Phòng) ghi nhận những nỗ lực mà ngành Giáo dục quận đạt được. Đồng thời khẳng định, đây là dịp thầy cô cùng tọa đàm về tổ chức dạy học theo Chương trình mới; từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tiễn trong năm học tiếp theo.

Tại buổi tập huấn, đội ngũ nhà giáo được cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT hướng dẫn một số điểm quan trọng khi thực hiện chương trình đối với các môn học: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đồng thời, giáo viên trong quận trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch bài học, phương pháp giảng dạy các môn mới theo Chương trình GDPT 2018.

Ông Trần Tiến Chinh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng là nhiệm vụ quan trọng. Sở đặc biệt quan tâm tới công tác tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh cử cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức, Sở cũng tập huấn theo nhóm chuyên môn và cụm trường. Qua đó, thầy cô được nâng cao năng lực, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng thường xuyên. Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục...

Giáo viên quận Kiến An tham gia tập huấn môn Tiếng Anh.

Giáo viên quận Kiến An tham gia tập huấn môn Tiếng Anh.

Tích cực ứng dụng công nghệ

An Lão là huyện đầu tiên của TP Hải Phòng phát động cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số. Chia sẻ thông tin, ông Vũ Trọng Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão đồng thời nhìn nhận: Đây là hoạt động ý nghĩa thể hiện tinh thần chủ động trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các nhà trường. Cùng với bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, tập huấn chuyên môn cho giáo viên toàn ngành là nội dung then chốt. Cuộc thi không đơn giản là góp sức vào phong trào chung của toàn huyện, mà qua đó thầy cô được tìm hiểu, thực hành và thành thục các kỹ năng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng, học liệu điện tử. Các video, tài liệu điện tử hay đều là nguồn để phát triển kho học liệu số, hỗ trợ đổi mới phương pháp, dần khắc phục những khó khăn về thiết bị dạy học trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Cùng đồng nghiệp xây dựng thiết bị dạy học số với sản phẩm: “Mô phỏng trục đối xứng, tâm đối xứng” (môn Toán 6), thầy Nguyễn Quốc Thịnh, giáo viên Toán, Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão khẳng định công nghệ thông tin có vai trò quan trọng với đổi mới giáo dục.

Để mô phỏng trục đối xứng, tâm đối xứng, thầy Thịnh dùng phần mềm Geometer’s Sketchpad 5 (phần mềm mô phỏng). Các bài tập về nhà được thầy thiết kế qua ứng dụng Azota.vn; thiết kế trò chơi cho học sinh bằng ứng dụng Blooket.com. Sử dụng các phần mềm vào thiết kế bài dạy vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, lại mang đến sự hào hứng cho học sinh. Quá trình giảng dạy tại trường, thầy và đồng nghiệp thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, cùng khai thác các ứng dụng thông minh để mang lại bài dạy hay cho học trò.

Tương tự, cô Lê Thị Luyến - giáo viên Trường THCS Quang Hưng, huyện An Lão cho rằng, cùng nhau thiết kế bài giảng điện tử là dịp sinh hoạt chuyên môn sâu rộng trong toàn ngành Giáo dục. Hiệu quả mang lại không phải là giải thưởng, mà là những trải nghiệm tích cực, khai mở cho thầy cô hướng đi mới trong khai thác dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng để hỗ trợ quá trình đứng lớp. Khi chưa quen công nghệ, thầy cô thấy khó nhưng sau các buổi cùng nhau thực hành mới hiểu được những tiện lợi. Học sinh có thể học bài trên lớp, xem lại video bài giảng tại nhà và làm bài tập qua phần mềm, giúp củng cố kiến thức vững vàng. Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới nếu không ứng dụng công nghệ số thì khó có thể mang lại bài giảng hiệu quả như mong muốn.

“Không được tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là thiệt thòi với giáo viên, đặc biệt thầy cô dạy môn Toán. Trước kia, nhà giáo dùng phấn trắng, bảng đen để kẻ vẽ mô phỏng kiến thức bài dạy cho học sinh, vừa mất thời gian mà hiệu quả chưa như mong muốn. Trăm hay không bằng tay quen, khi tìm hiểu về công nghệ, thực hành xây dựng bài giảng qua các phần mềm, ứng dụng mới thấy điều tuyệt vời mà công nghệ mang lại”, thầy Thịnh kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ