Sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới

GD&TĐ - Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới, các địa phương trên cả nước đã hoàn thiện cơ sở vật chất, tập trung mọi nguồn lực với mong muốn chuẩn bị thật tốt cho công tác giảng dạy. 

Sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới

Trong đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV, đổi mới quản lý để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện là một trong những tiêu chí hàng đầu.

Kiện toàn về cơ sở vật chất

Là tỉnh thuộc vùng cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc còn nhiều khó khăn, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, Lào Cai luôn dành những ưu tiên tốt nhất cho vấn đề phát triển giáo dục. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ khi kết thúc năm học 2015 - 2016, tỉnh đã lên phương án để xây mới, sửa chữa tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học của các nhà trường. Hệ thống, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển, tạo cơ hội và đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 667 trường MN và phổ thông, 185.922 học sinh, trong đó: Mầm non: 202 trường, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 16,6% tăng so với năm học trước là 1,6%; mẫu giáo đạt 95,4%, tăng so với năm học trước 0,9%, riêng 5 tuổi duy trì đạt 99,9%. Tiểu học: 231 trường, 3.906 lớp, THCS: 189 trường/1.574 lớp/44.976 học sinh (trong đó: TH&THCS: 6; MN - TH - THCS: 6; PTDT bán trú: 67), tỷ lệ huy động đạt 99,3%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi ra lớp đạt 99,5%. So với năm học 2014 - 2015: Giảm 4 trường; tăng 54 lớp và 1.563 học sinh. THPT: 36 trường/505 lớp/16.176 học sinh (1 trường THPT chuyên; 1 trường THPT DTNT tỉnh, 1 trường THCS&THPT, 8 trường PTDTNT THCS&THPT huyện, 25 trường THPT). So với năm học 2015 - 2016: Tăng 4 trường, 10 lớp và 213 học sinh. 9 Trung tâm DN&GDTX cấp huyện và 1 Trung tâm KTTH - HNDN&GDTX tỉnh/81 lớp/2.457 học viên BTVH cấp THCS&THPT; 2.863 học viên xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, ngành cũng đã triển khai, rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp cho phù hợp đáp ứng với yêu cầu giảng dạy. Đến nay có 22 trường đã được sáp nhập lại thành 11 trường, giảm 44 lớp; nâng cấp 4 trường PTDT nội trú THCS&THPT, đưa gần 2.000 HS điểm trường lẻ về học ở trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học tại tỉnh Hà Nam cũng luôn được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 389 phòng học mới, sửa chữa, nâng cấp 250 phòng học với tổng kinh phí lên tới 352.627 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã mua và được cấp bổ sung 2.850 bộ thiết bị trị giá 30.500 triệu đồng. Tính đến hết năm học 2015 - 2016, Hà Nam có 76/116 trường mầm non, 121/121 trường tiểu học, 81/118 trường THCS, 10/23 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông được nâng lên.

Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Trong năm học mới 2016 - 2017, ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện sáng tạo, hiệu quả Đề án về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020” nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục trong đó chú trọng củng cố, tăng cường kỷ cương, nền nếp trường học; xây dựng đội ngũ, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, công tác kiểm tra, thanh tra và đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức;

Đặc biệt tỉnh cũng chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh ở các cấp học; tập trung đổi mới công tác chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với các tiêu chí xây dựng trường học thân thiện, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; nâng cao tỷ lệ trường được học 2 buổi/ngày cho các cấp học; phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; nâng cao chất lượng trường DTNT, DTBT, trường có học sinh bán trú và củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Chia sẻ về công tác đổi mới trong khâu quản lý, ông Nông Trọng Trình, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các nhà trường tiếp tục thực hiện việc đổi mới trên các mặt: Công tác quản lý hành chính, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường; công tác quản lý học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường theo các nhiệm vụ của hiệu trưởng được quy định tại chuẩn hiệu trưởng.

Cụ thể: Công tác bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ quản lý của ngành được tiến hành thường xuyên thông qua các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giao ban nhằm làm cho mỗi cán bộ quản lý nắm được nguyên tắc, phương pháp quản lý trường học. Sở sẽ tổ chức đánh giá cán bộ quản lý giáo dục tiểu học về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học, đồng thời đánh giá chuẩn hiệu trưởng theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BGD&ĐT ngày 8/4/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học.

Tại tỉnh Cao Bằng, chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD&ĐT cũng đã tích cực chuẩn bị kiện toàn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đáp ứng công tác giảng dạy. Toàn ngành hiện có 13.164 cán bộ, GV và nhân viên, 100% GV đạt chuẩn trở lên. Hiện tại, toàn tỉnh có 655 trường mầm non và phổ thông, trong đó, 190 trường mầm non (tăng 4 trường so với năm học trước). 100% trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho trẻ, riêng trẻ 5 tuổi học bán trú đạt 73,78%, 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ. Cấp tiểu học có trên 98% HS hoàn thành chương trình; cấp THCS duy trì việc dạy học 2 buổi/tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ