Hải Phòng: Lắng nghe và tiếp thu ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10

GD&TĐ - "Qua ý kiến của cử tri, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố, Sở GD&ĐT nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu thực tế, phát huy những mặt tích cực và nghiên cứu những mặt còn hạn chế, chưa phù hợp để tham mưu, tổ chức thực hiện trong những năm tiếp theo tốt hơn, hiệu quả hơn".

Hải Phòng: Lắng nghe và tiếp thu ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10

Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - chia sẻ như vậy khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn vừa qua.

Mong muốn thay đổi tư duy, nhận thức trong giảng dạy, học tập

- Vì sao năm học 2017 - 2018, Hải Phòng quyết định thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10?

Ngày 01/3/2016, UBND thành phố Hải Phòng có công văn số 1009/VP-VX về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017, trong đó yêu cầu: “Sở GD&ĐT xây dựng phương án thi tuyển, không xét tuyển từ năm học 2017-2018”.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo tuyển sinh vào lớp 10 theo 3 phương thức: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh); thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Trong những năm qua thành phố Hải Phòng đang áp dụng 2 trong 3 phương thức được Bộ GD&ĐT cho phép: Xét tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Qua nhiều năm triển khai theo hình thức này, việc sử dụng kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong 4 năm THCS trên thực tế đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế như sau:

Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa thật công bằng và khách quan, cá biệt có những trường hợp sửa học bạ, làm sai lệch kết quả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.

Từ việc phải đạt học sinh giỏi để được cộng điểm tối đa nên số lượng học sinh giỏi trong những năm gần đây của các trường THCS ở Hải Phòng tăng khá đột biến.

Việc đổi mới phương thức thi vào lớp 10 của Hải Phòng cũng nhằm tiệm cận với phương thức thi THPT quốc gia năm 2017.

Bên cạnh đó, trên thực tế, năm học 2016 - 2017, tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 theo phương án thi 9 môn: bài thi toán, bài thi ngữ văn và bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp gồm 7 môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và kết quả đã được học sinh và phụ huynh đồng tình ủng hộ. Năm học 2017 - 2018, cùng với Hải Phòng, các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình cũng tổ chức thi theo hình thức này.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo cho việc thay đổi tư duy, nhận thức trong giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, đổi mới phương pháp tổ chức thi có tác động đến việc giảng dạy, học tập một cách toàn diện, tránh học lệch của học sinh và góp phần chống tiêu cực trong ngành giáo dục, Sở GD&ĐT đã xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 – 2018 bằng hình thức thi tuyển.

Phương án được xây dựng dự thảo, tổ chức hội thảo từ các đơn vị trường học quận, huyện, cơ quan sở, lấy ý kiến chuyên gia, kiểm tra thử đối với học sinh lớp 9 THCS và được UBND thành phố phê duyệt theo công văn số 3090/VP-VX ngày 08/12/2016 về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018.

- Đây là hình thức thi hoàn toàn mới mẻ với học sinh Hải Phòng, Sở GD&ĐT có quan tâm đến việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh?

Ngay từ tháng 8/2016, chuẩn bị năm học mới, Sở GD&ĐT đã có dự thảo phương án, triển khai tới các cơ sở giáo dục trên dịa bàn thành phố để tham gia góp ý và thông tin với học sinh, phụ huynh để nghe ngóng tác động.

Phương thức thi mới sau khi ban hành chính thức được tuyên truyền rộng rãi qua hệ thống báo, đài truyền hình; cổng thông tin điện của tử Ngành, của thành phố. Bên cạnh đó, triển khai trực tuyến, học tập, tập huấn trực tiếp đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học; đặc biệt triển khai trong Ngành để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho kỳ thi.

Bản thân tôi cũng trực tiếp trả lời một số lần trên chương trình Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời của Đài truyền hình Hải Phòng.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng tổ chức thi khảo sát thử vào tháng 12/2016 và tháng 4/2017; công bố cấu trúc đề, mẫu đề, chỉ đạo ôn tập để đảm bảo học sinh và giáo viên chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi

Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ảnh: giadinh.net.vn
Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ảnh: giadinh.net.vn 

Phương thức mới: có cả tích cực và khó khăn

- Ông đánh giá như thế nào về tác động của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay theo phương thức mới?

Việc thực hiện phương án tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển này đã tác động tích cực trong đánh giá học sinh, từng bước khắc phục các tiêu cực trong giáo dục.

Mới chỉ công bố phương án thi vào cuối học kỳ I mà kết quả 2 mặt giáo dục năm học 2016 – 2017 của học sinh lớp 9 so với năm học 2015 – 2016, tỷ lệ hạnh kiểm tốt, học lực giỏi giảm, tăng tỷ lệ hạnh kiểm, học lực khá, trung bình, yếu.

Việc tổ chức thi có bài thi tổ hợp giúp cho học sinh học toàn diện hơn không học lệch (trước kia chủ yếu chỉ tập trung học và ôn có 2 môn Văn và Toán).

Cụ thể, tạo động lực học đều các môn ngay từ trong các năm học của học sinh, góp phần đạt mục tiêu phát triển con người toàn diện; phản ánh trung thực, khách quan hơn năng lực, trình độ học sinh;

Giúp việc phân loại học sinh tốt hơn về kiến thức cơ bản của tất cả các bộ môn, có thêm các kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội thực hiện đúng mục tiêu, tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018 là phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT và thực tế tại Hải Phòng.

- Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc cho học sinh thi quá nhiều môn thực sự tạo áp lực không nhỏ cho học sinh?

Đúng là, việc đổi mới hình thức tuyển sinh từ việc thi tuyển hai bài thi Toán và Ngữ văn kết hợp với xét tuyển theo kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực của 4 năm học sang việc thi tuyển gồm 3 bài thi (bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp) cũng gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất là tâm lý ngại thay đổi và nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên nên có tác động tiêu cực tới học sinh và cha mẹ học sinh.

Để thực hiện bài thi tổ hợp đòi hỏi thầy cô giáo của các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lich sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ phải chuẩn bị bài tốt hơn, hoàn thành chương trình và hướng dẫn học sinh ôn tập nên mất thời gian, vất vả hơn.

Ở những năm học trước học sinh chú trọng học 2 môn thi là Toán, Ngữ văn các môn còn lại được học theo chương trình và thầy cô dạy bộ môn tự ra đề kiểm tra, tự chấm điểm và đánh giá học sinh theo chủ quan của người dạy (đánh giá trong).

Nay phải hoàn thành chương trình lớp 9 và tham dự kỳ đánh giá ngoài chung của toàn thành phố nên học sinh phải thay đổi là quan tâm đến các môn học ngoài 2 môn Toán, Ngữ văn.

Điều này gây áp lực cho những học sinh chưa chú trọng học ngay trong năm học mà đợi đến khi chuẩn bị thi mới học nên bị quá tải. Việc đổi mới chuyển từ đánh giá trong theo chủ quan của người dạy và nhà trường sang đánh giá ngoài trên phạm vi toàn thành phố sẽ không tránh khỏi áp lực cho người dạy và người học.

Đây là áp lực khách quan từ việc đổi mới thi, kiểm tra đánh giá theo tinh thần của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành phố.

Bên cạnh đó, do năm đầu tiên tổ chức thi 3 bài và có bài thi tổ hợp của nhiều môn nên không tránh khỏi tâm lý lo lắng của học sinh và phụ huynh.

Việc tổ chức bài thi thứ 3 theo hình thức thi tuyển sẽ phát sinh thêm 1 buổi thi cũng là một khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh nhưng sẽ giảm được áp lực về đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực trong suốt 4 năm học của cấp THCS.

- Sở GD&ĐT Hải Phòng liệu có ý định cân nhắc, thay đổi phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10?

Qua ý kiến của cử tri, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố, Sở GD&ĐT nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu thực tế, phát huy những mặt tích cực và nghiên cứu những mặt còn hạn chế, chưa phù hợp để tham mưu, tổ chức thực hiện trong những năm tiếp theo tốt hơn, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT thành phố

- Xin cảm ơn ông!

Kết quả sơ bộ từ Hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 đối với bài thi Tổ hợp (7môn) cụ thể như sau:

Học sinh đạt trung bình trở lên (đạt 10/20 điểm) tỷ lệ 96,11%;

Dưới trung bình tỷ lệ 3,89%;

Điểm trung bình đến khá (từ 10 đến dưới 16 điểm) tỷ lệ 48,25%;

Điểm giỏi (từ 16 đến 20 điểm) tỷ lệ đạt 47,86%, trong đó có 625 học sinh đạt điểm tối đa (20/20 điểm) tỷ lệ 3,77%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.