Hải Phòng đang trên đà phát triển, thu hút đầu tư lớn của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, nên nhu cầu học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh tăng cao. Nhiều trường đã “đi trước, đón đầu” triển khai dạy học ngoại ngữ 2. Nhưng đến nay vấn đề cơ chế tuyển dụng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất vẫn là bài toán nan giải.
Đi trước đón đầu
Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, thành phố có 13 trường triển khai học ngoại ngữ 2 gồm: Tiếng Nhật, Hàn, Trung. Đặc biệt, có Trường Trung học phổ thông Marie Curie triển khai 4 ngoại ngữ khác nhau. Ngoài tiếng Anh, nhà trường còn chọn tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung. Bên cạnh đó, một số trường học trên địa bàn, ngoài dạy tiếng Anh theo chương trình chính khóa, còn tổ chức dạy ngoại ngữ khác với 3 tiết/tuần.
Từ năm học 2020 - 2021, Trường Trung học cơ sở Quán Toan, quận Hồng Bàng, triển khai dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 cho học sinh. Theo cô giáo Phạm Thị Duyên – Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị là một trong 5 trường trên địa bàn được thụ hưởng dự án dạy tiếng Hàn với các trang thiết bị dạy học hiện đại, 1 phòng văn hóa Hàn Quốc, giáo viên bản xứ. Mỗi tuần, các em được học với giáo viên bản xứ 2 tiết. Học sinh học bộ môn này được tính điểm như môn học khác, điều này khiến học sinh, phụ huynh yên tâm về chất lượng giáo dục và có trách nhiệm với việc học.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng, chia sẻ, học tiếng Nhật đang là nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh khi có định hướng nghề nghiệp cho con. Hiện, nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lớp học tiếng Nhật tăng cường như các thiết bị dạy và học hiện đại, trang trí theo hướng tạo không gian học tiếng Nhật cho học sinh.
Về kế hoạch dạy học, nhà trường phối hợp với Trung tâm Nhật ngữ Hanami xây dựng phù hợp với đặc điểm của học sinh trên quan điểm làm quen với văn hóa Nhật Bản, ưu tiên hình thức giáo dục thông qua trải nghiệm. Hiện nay, lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 đang học theo bộ chữ mềm Hiragana; lớp 5 đang học chữ cứng Katakana. Cuối năm học sinh khối tiếng Nhật sẽ tham gia bài kiểm tra đánh giá năng lực theo chương trình.
Theo cô Ngọc, học sinh khối tiếng Nhật được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như các tiết mục văn nghệ trong Ngày hội văn hóa Nhật Bản, tham quan doanh nghiệp có chuyên gia và các chuyên viên là người Nhật Bản; làm bưu thiếp chúc mừng bằng tiếng Nhật; thực hành làm một số món ăn để các em được trải nghiệm văn hóa Nhật Bản và phụ huynh thấy được thành quả học tập của con em. Qua nhiều năm triển khai, nhà trường nhận được tín hiệu tích cực từ phụ huynh, chất lượng tiếng Nhật được nâng lên.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương với trải nghiệm văn hoá Nhật Bản |
Còn nhiều khó khăn
Theo cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc triển khai dạy tiếng Nhật dưới hình thức làm quen với văn hóa Nhật tồn tại không ít khó khăn. Cụ thể, để duy trì môn học này, nhà trường đang liên kết với một trung tâm ngoại ngữ vì không có giáo viên bộ môn. Giáo viên Việt Nam dạy tiếng Nhật theo chế độ hợp đồng do phía trung tâm đảm nhận nên nhà trường chỉ quản lý về giờ dạy, không có cán bộ quản lý có chuyên môn tiếng Nhật, không được dự tập huấn nên việc đánh giá chất lượng theo chuyên môn gặp khó.
Bên cạnh đó, sách tiếng Nhật và các tài liệu bổ sung cho giảng dạy: Tài liệu, dụng cụ học tập bổ trợ cho học sinh như truyện tranh, CD nghe của sách giáo khoa chưa nhiều… Việc dạy học ngoại ngữ 2 vẫn chưa đồng bộ giữa các cấp học, vì thế sau khi kết thúc tiểu học, vấn đề chọn trường THCS có dạy tiếng Nhật để con em được tiếp tục theo học môn này cũng là băn khoăn lớn của phụ huynh.
Mặc dù chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai đưa ngoại ngữ 2 vào thành môn học chính thức nhưng một số trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ. Từ năm học 2021 - 2022, Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy, huyện Kiến Thụy triển khai cho học sinh tiếp cận tiếng Hàn Quốc dưới hình thức câu lạc bộ.
Theo lãnh đạo nhà trường, do còn hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chưa thể đưa tiếng Hàn trở thành môn học chính thức nhưng việc thành lập câu lạc bộ sẽ đặt nền móng để nhà trường tiến tới có thêm ngoại ngữ 2 theo Chương trình GDPT 2018.
Thực tế việc triển khai câu lạc bộ tiếng Hàn tại nhà trường có những tín hiệu tích cực về chất lượng, học sinh đăng ký tham gia ngày càng đông. Hiện có khoảng 160 em ở cả ba khối tham gia câu lạc bộ tiếng Hàn. Mỗi tuần, học sinh sẽ học 1 buổi với giáo viên người nước ngoài.
Theo ông Đỗ Văn Lợi, hiện tại, số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh không nhiều dẫn tới một số trường muốn dạy nhưng không có nguồn. Bên cạnh đó, khi nhà trường chọn ngoại ngữ khác là ngoại ngữ 2 thì phải sắp xếp thời gian chính khóa phù hợp.
Việc kiểm tra đánh giá, tính điểm kết quả học tập của học sinh đảm bảo theo quy định. Đó cũng là khó khăn cho quá trình triển khai. Giải pháp các trường đang thực hiện là liên hệ trung tâm dạy ngoại ngữ để hợp đồng với giáo viên hoặc tổ chức theo hình thức câu lạc bộ. Sở tiếp tục chỉ đạo nhà trường khắc phục để tạo điều kiện cho học sinh được học.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT về vấn đề đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đồng thời, tham mưu tích cực với UBND thành phố bố trí lượng biên chế giáo viên dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Đây là bước tính lâu dài để đảm bảo tính liên thông khi triển khai dạy ngoại ngữ 2 từ tiểu học trở lên để tránh lãng phí quá trình đào tạo, từ đó tạo sự vững chắc, ổn định cho việc dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường.