Hải Phòng: Giữ lửa nghệ thuật hát Đúm trong các nhà trường

GD&TĐ - Trong cuốn Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 tại Hải Phòng có đưa nghệ thuật hát Đúm vào giảng dạy.

Đưa hát Đúm vào giảng dạy sẽ góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống của người dân Hải Phòng.
Đưa hát Đúm vào giảng dạy sẽ góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống của người dân Hải Phòng.

PGS.TS. NGƯT. Nhạc sĩ Phạm Trọng Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách quốc gia cho rằng, việc làm này góp phần lan toả nét đẹp văn hoá dân gian của Hải Phòng.

Lan toả nét văn hoá quê hương

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, tác giả biên soạn chủ đề 5 : Nghệ thuật hát Đúm huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng trong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 chia sẻ, hát Đúm là sinh hoạt văn hoá nghệ thuật mang tính cộng đồng, cộng cảm của cư dân một số vùng ven biển như Thuỷ Nguyên, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn.

Cũng giống như nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian khác, hát Đúm cũng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.

Nhiều năm gần đây, chính quyền địa phương, các cấp cùng nhân dân huyện Thuỷ Nguyên đã tập trung khôi phục và phát triển, sinh hoạt văn hoá loại hình nghệ thuật này.

Tác giả lựa chọn Nghệ thuật hát Đúm Thuỷ Nguyên để đưa vào tài liệu Giáo dục địa phương là vì loại hình này mang tính truyền thống và có lịch sử lâu đời.

Bởi hát Đúm gắn bó với sự hình thành và phát triển của vùng đất và con người Thuỷ Nguyên. Cái nôi của hát Đúm là xã Phục Lễ, Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Năm 2018, Nghệ thuật hát Đúm Hải Phòng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”.

Bên cạnh đó, việc đưa hát Đúm vào giảng dạy sẽ góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống của người dân Hải Phòng.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Như Hăng (xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) cho hay: Hát Đúm là sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Giai điệu mộc mạc, chân thành, lời ca giản dị mà sâu sắc, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo đức uống nước nhớ nguồn; Đồng thời phản ánh nét đẹp văn hoá của người dân vùng ven biển Hải Phòng luôn căng tràn gió lộng, sóng trào và mênh mang tình cảm.

Nghệ nhân rất trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của loại hình văn hoá dân gian này bởi hậu thế có phần không “mặn mà”. Nhưng khi được các thầy cô giáo gặp gỡ và xin ý kiến về việc đưa hát Đúm vào giảng dạy trong các nhà trường, nghệ nhân Đinh Như Hăng cũng như các nghệ nhân khác rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ cao.

Cô giáo Phạm Thị Thuỳ- Giáo viên Âm nhạc, Trường THCS Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên chia sẻ: Đưa nghệ thuật hát Đúm vào giảng dạy trong chương trình lớp 7 là phù hợp với học sinh. Bởi nội dung gần gũi, ca từ dễ nghe. Với học sinh lớp 6 học theo SGK mới, các em đã được học các bước, các thao tác tiếp cận tác phẩm âm nhạc. Lên lớp 7, với chủ đề này cô giáo chỉ cần giới thiệu thêm cho các em để trò nắm thêm kiến thức. Lối hát bẻ chữ của hát Đúm không khó, học sinh dễ dàng tiếp cận.

Giai điệu hát Đúm Thuỷ Nguyên cũng có đặc trưng riêng bởi luôn có câu đệm mở đầu và câu kết giống nhau: “Duyên kết bạn mình ơi” hoặc “Duyên kết bạn tình ơi”.
Giai điệu hát Đúm Thuỷ Nguyên cũng có đặc trưng riêng bởi luôn có câu đệm mở đầu và câu kết giống nhau: “Duyên kết bạn mình ơi” hoặc “Duyên kết bạn tình ơi”.

Cần chuẩn bị kĩ lưỡng

Cô giáo Phạm Thị Thuỳ là người tiên phong dạy thực nghiệm chủ đề 5: Nghệ thuật hát Đúm huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng trong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7.

Ở  Tiết 2: "Tập hát trích đoạn Hát gặp", cô Thuỳ yêu học sinh nhắc lại kiến thức về nghệ thuật hát Đúm Thuỷ Nguyên đã được tìm hiểu trong tiết học trước.

Sau đó cô giáo hướng dẫn học sinh tìm nhịp, chia câu hát cho đoạn trích; tìm câu đệm mở và câu đệm kết; tìm các kí hiệu âm nhạc được sử dụng trong đoạn trích.

Học sinh được làm việc nhóm và trình bày trước lớp những hiểu biết của mình. Quá trình học hát, học sinh còn được học cách hát kết hợp với vận động cơ thể theo nhịp, hát kết hợp nhạc cụ.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá cao tiết dạy thực nghiệm của cô Phạm Thị Thuỳ và học sinh Trường Trung học cơ sở Lập Lễ và Phục Lễ. Tiết học đã tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh được “chơi mà học, học mà chơi” đúng như mục tiêu môn học đề ra.

PGS.TS. NGƯT. Nhạc sĩ Phạm Trọng Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách quốc gia chia sẻ: Hát Đúm có ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ.. nhưng hát Đúm ở Hải Phòng có đặc trưng riêng biệt của vùng đất con người ven biển Hải Phòng.

Dân ca Việt Nam hầu hết có nhịp 2-4 hoặc 4-4 nhưng hát Đúm ở Thuỷ Nguyên là nhịp 3-8, rất hiếm.

Giai điệu hát Đúm Thuỷ Nguyên cũng có đặc trưng riêng bởi luôn có câu đệm mở đầu và câu kết giống nhau: “Duyên kết bạn mình ơi” hoặc “Duyên kết bạn tình ơi”.

Đặc trưng tiếp theo, lời ca hầu hết phổ theo thể thơ 6-8 và biến thể của thơ 6-8 nhưng có lối bẻ lời, nắn giọng như hát trái dấu giọng, trái thanh điệu tiếng Việt. Tạo nên tiếng cười vui vẻ, sảng khoái mà không phải thể loại dân ca nào cũng có.

Thầy Toàn cho rằng: Để bảo tồn phát huy di sản hát Đúm bền vững thì việc quan trọng nhất là đưa vào trường phổ thông. Thế hệ trẻ được nghe, học và hiểu nghệ thuật hát Đúm các em sẽ thấm đẫm giọng ca, lời hát và tự hào về văn hoá quê hương dù ở phương trời nào.

Để dạy học nghệ thuật hát Đúm hiệu quả, theo thầy Toàn, địa phương cần biên soạn nội dung chương trình phù hợp, vừa sức, hấp dẫn với từng đối tượng học sinh. Tiếp đến là tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc của nhà trường tiếp cận được nguồn gốc lịch sử, tên gọi, đặc điểm nội dung, lời ca, đặc trưng nghệ thuật âm nhạc. Các thầy cô có kĩ năng trình bày giờ dạy trong giờ nội khoá, ngoại khoá hẫp dẫn, thu hút học sinh. Từ sự yêu thích, học sinh sẽ lan toả nét đẹp của văn hoá dân gian Hải Phòng với bàn bè trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ