Hải Phòng đa dạng hình thức hướng nghề nghiệp cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An, TP Hải Phòng) công tác định hướng nghề nghiệp được chú trọng.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn thực hành đo chu vi trái đất vào ngày 23/9 vừa qua.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn thực hành đo chu vi trái đất vào ngày 23/9 vừa qua.

Nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm cung cấp kiến thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh.

Đồng hành cùng trò

Em Nguyễn Tuấn Anh, lớp 12A8 chia sẻ, khi bước vào trường THPT em còn rất mơ hồ về định hướng nghề. Em chỉ biết rằng nên học tốt những môn mình thích để đến lớp 12 xem nghề nào phù hợp, trường nào lấy điểm xét tuyển tương xứng với khả năng thì em chọn. Nhưng đến năm lớp 11 khi được tham gia các buổi trò chuyện cùng chuyên gia, chương trình định định hướng nghề em đã có thêm định hướng nghề cho mình.

Em Phạm Thị Minh Ngọc, một cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, ngay từ khi học lớp 10 em đã có định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai. Điều này một phần do sở thích của em được trải nghiệm với đam mê kinh doanh, một phần do gia đình và thầy cô định hướng. Vì thế, em chọn học khối A1 để theo đuổi định hướng của mình.

Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

Chia sẻ về định hướng nghề cho học sinh, cô Phạm Thị Hoàn, giáo viên nhà trường cho biết, nhiều em học sinh vẫn còn mơ hồ trong việc định hướng nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều học sinh chọn nghề theo tâm lý đám đông. Có những em đến lớp 12 mới quyết định học nghề gì. Vì thế, là giáo viên chủ nhiệm, theo chương trình kế hoạch của nhà trường, cô Hoàn sát sao định hướng nghề cho học sinh ngay từ năm lớp 10. Đặc biệt, với năm học này thực hiện chương trình GDPT 2018 thì việc lựa chọn tổ hợp môn học, phân ban rõ ràng. Học sinh và phụ huynh đã nhận thức sớm trong việc chọn tổ hợp môn gắn với sở trường, năng lực và định hướng nghề tương lai.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Thầy Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, giáo dục hướng nghiệp THPT nhằm cung cấp kiến thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh giúp các em có khả năng tự chủ trong lựa chọn trường học, ngành học và nghề nghiệp trong tương lai dựa vào năng lực, sở thích và nhu cầu lao động của xã hội. Những năm qua, Trường THPT Lê Quý Đôn luôn chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với nhiều hình thức đa dạng.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phân công 1 đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác Hướng nghiệp, nghề, tuyển sinh và xây dựng kế hoạch tổng thể chương trình GDHN - phân luồng học sinh - tư vấn hướng nghiệp theo năm học.

Định hướng, phân luồng học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ khi các em bước vào lớp 10 với việc họp phụ huynh, học sinh khối 10 tập trung nghe tư vấn về việc chọn ban, chọn khối học phù hợp với sở trường, khả năng của học sinh để trên cơ sở đó làm nền tảng cho việc lựa chọn trường, định hướng nghề nghiệp sau này.

Ngoài dạy các tiết hướng nghiệp theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường còn tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp cho trò dưới nhiều hình thức như: hướng nghiệp trong tiết sinh hoạt, lồng ghép trong một số bộ môn Vật lý; Địa lý, Ngữ văn, Sinh học, Hóa học…; tổ chức chuyên đề Hướng nghiệp trong sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động ngoại khóa.

Tháng 4/ 2022 tổ chức chuyên đề hướng nghiệp chủ đề “Kỉ nguyên số-Học và chọn nghề tương lai” , với sự tư vấn của PGS. Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục-Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mang đến cho học sinh những kiến thức cần thiết về hướng nghiệp và cách lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Đối với học sinh khối 12, nhà trường còn phối hợp với các trường đại học Hàng Hải; FPT, Bách khoa Hà Nội, các trung tâm Ngoại ngữ, du học tổ chức chương trình tư vấn, phân tích cho học sinh giúp các em có cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mà mình lựa chọn. Thông tin tới học sinh các điểm mới của tuyển sinh Đại học, các thông tin các trường ĐH, CĐ… trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức cho học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh do trường ĐH Hàng Hải kết hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức hàng năm. Với cách làm trên, các em sớm xác định ngành nghề, trường đại học mà mình sẽ dự thi, xét tuyển phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội.

Nhà trường cũng chú trọng tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, các trường đại học lớn để học sinh hiểu rõ hơn về một số ngành nghề.

Nhiều trường định hướng, phân luồng học sinh ngay từ khi các em bước vào lớp 10.
Nhiều trường định hướng, phân luồng học sinh ngay từ khi các em bước vào lớp 10.

Đặc biệt, đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhà trường đã định hướng đến các hoạt động giáo dục toàn diện, hướng tới hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất của “công dân toàn cầu”, đánh thức nội lực bản thân và tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại, năng động. Trang bị năng lực tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh. Kết hợp Trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho học sinh đăng kí và học tiếng Anh trình độ Ielts với kết quả khả quan.

Từ năm 2020 tổ chức cho học sinh khối 10 đăng kí và học tin học thi chứng chỉ tin học quốc tế MOS với 100% đạt chứng chỉ. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế theo định hướng phát triển năng lực như: Đo chu vi Trái đất vào ngày thu phân 23/9 vừa qua. Đây là hoạt động trải nghiệm STEM hàng năm dành cho học sinh khối lớp 10 (lần thứ 5 liên tục), thực hiện 1 trong 10 thí nghiệm đẹp nhất của nhân loại. Học sinh được cung cấp kiến thức, sau đó tự thiết kế thí nghiệm, thực hiện thí nghiệm, báo cáo kết quả.

Bên cạnh đó, Chuyên đề cấp thành phố: Ngày hội STEM – sáng tạo Robot với chủ đề đề “Tự hào chiến thắng Bạch Đằng 938” với sự tham gia của toàn bộ học sinh khối 10-11, tại ngày hội các sản phẩm của học sinh nhà trường đã được trưng bày phong phú thể hiện sự nghiêm túc, sáng tạo của các em học sinh nhà trường.

Học sinh khối 10 ban Tự nhiên được thực hành 2 chuyên đề: Chuyên đề 1: Thực hành với các bộ phận của robot: thực hiện các thao tác lắp ráp như gắn pin, lắp bánh xe, gắn động cơ, ... để tạo nên robot từ các bộ phận và linh kiện; kiểm tra được tình trạng của robot là hoạt động được hay có lỗi, chẳng hạn thông qua thiết bị điều khiển cầm tay để ra lệnh cho robot thực hiện vài động tác; Chuyên đề 2: Thực hành điều khiển robot: viết được chương trình điều khiển robot thực hiện các động tác đơn giản như cử động cánh tay (với robot hình người), di chuyển tiến lùi (robot dạng xe)...

Ngoài ra, trường tổ chức tiết dạy ngoài trời và trải nghiệm: “Sự hấp dẫn của chuyển động” của bộ môn Vật lý ngày 04/10/2021; chuyên đề “Hóa học và cuộc sống” của bộ môn Hóa học ngày 18/10/2021…Các hoạt động trải nghiệm thực tế chuyên môn khơi gợi, giúp học sinh sự yêu thích môn học, trải nghiệm nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.