Hai Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị về quản lý người nghiện ma túy

Trước những diễn biến khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, sáng 20/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị về công tác này với sự tham gia của lãnh đạo 21 tỉnh/thành phố, các bộ, ngành Trung ương, Toà án nhân dân Tối cao…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

60% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp

Theo Báo cáo tổng hợp tại Hội nghị, đến nay cả nước ghi nhận 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người). Đáng chú ý trên 60% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp (ATS), một số địa phương tỉ lệ người sử dụng ATS cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... Người sử dụng ATS có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy công lập gồm: 75 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (gồm cả chức năng cai nghiện bắt buộc); 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện kết hợp điều trị Methadone, 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội và 22 cơ sở ngoài công lập. Trong 110 cơ sở cai nghiện, có 9 tỉnh, thành phố đã có quyết định đổi tên 25 Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (Trung tâm 06) thành “Cơ sở cai nghiện ma túy”; một số tỉnh đã chuyển đổi chức năng của Trung tâm nhưng chưa đổi tên”; đã có 27 tỉnh, thành phố thành lập cơ sở xã hội tiếp nhận18.512 người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Báo cáo từ các địa phương cho biết, giai đoạn 2014-2016 đã tổ chức cai nghiện tập trung cho 66.552 lượt học viên; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 12.793 người.

Đối với hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đã có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai (tính đến 15/12/2016), với 274 cơ sở, điều trị cho 50.663 người, trong đó có 11 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa do ngành LĐTB&XH quản lý. Bộ Công an cũng đang tiến hành điều trị thí điểm bằng thuốc Methadone cho phạm nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Thời gian qua, công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy đã được các cấp, các ngành, các địa phương, toàn xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được mong mỏi của xã hội, của bản thân và gia đình những người nghiện ma túy; còn xảy ra tình trạng học viên tại cơ sở cai nghiện gây rối, bỏ trốn tập thể ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Quy định đã sửa nhưng vướng mắc còn nhiều

Điều hành hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung báo cáo những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý người nghiện ma túy và công tác cai nghiện trên địa bàn, trong đó cần đề cập thẳng vào những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.

Đánh giá từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy thời gian qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện tại địa phương, rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định cụ thể việc chấm dứt giáo dục tại xã phường; giảm thủ tục, điều kiện thành lập cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone; giảm thủ tục hành chính trong đăng ký điều trị Methadone…

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, nhiều địa phương gặp vướng mắc do thiếu những hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý sau cai nghiện; thiếu tiêu chí cụ thể xác định người nghiện thường xuyên đi lang thang; cai nghiện cho người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi…

Đáng lưu ý, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, phải có tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên thực tế việc xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn gặp rất nhiều khó khăn do số chất ma túy vào khoảng 250 chất nhưng Thông tư liên tịch số 17/2015 của Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an về thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy chỉ quy định 2 chất là chất dạng thuốc phiện và chất dạng Amphetamine. Tiêu chuẩn xác định nghiện chất dạng Amphetamine và quy trình xác định nghiện ma túy quy định tại Thông tư 17 không phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc cần có thời gian để xác định nghiện (48 giờ đối với người xác định nghiện chất thuốc phiện và 72 giờ đối với người xác định nghiện chất ma túy tổng hợp).

Kinh phí dành công tác cai nghiện cả nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương không đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, có 26/38 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy được bố trí ngân sách hỗ trợ từ Trung ương nhưng không phân bổ vốn cho công tác cai nghiện mà đầu tư sang lĩnh vực khác; hoặc có bố trí nhưng thiếu so với số vốn Trung ương thông báo hỗ trợ.

Những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy được tập trung thảo luận tại hội nghị với các ý kiến phản ánh từ các địa phương; phản hồi, kiến nghị của các bộ, ngành nhằm hướng dẫn đầy đủ những nội dung còn vướng mắc để thống nhất thực hiện trong cả nước. Đặc biệt là vai trò hết sức quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác quản lý, hỗ trợ, điều trị cho người nghiện ma túy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Những giải pháp cần tập trung thời gian tới

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh các đại biểu về dự đông đủ, đưa ra giải pháp và kiến nghị bám sát tình hình thực tiễn về công tác quản lý người nghiện ma tuý và cai nghiện hiện nay; đồng thời nhấn mạnh: Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy thời gian qua có diễn biến phức tạp, trong đó có những trường hợp người sử dụng ma túy tổng hợp gây ra những vụ trọng án và hiện tượng học viên tại cơ sở cai nghiện một số địa phương phá hoại tài sản, bỏ trốn tập thể gây bức xúc dư luận. Hội nghị đã xác định rõ nguyên nhân do thể chế, pháp luật còn chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn hạn chế, nhất là trách nhiệm của các bộ, ngành cùng chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy.

Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới:

Các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế trong quyền hạn; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Nghị định 221/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ. Những vướng mắc pháp luật khác, giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ trì kiểm tra đôn đốc để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết của Chính phủ. Những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật hoặc ra Nghị quyết để khắc phục.

Các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; tập trung đấu tranh có hiệu quả với số đầu sỏ, đầu nậu buôn lậu ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn xã hội không coi người nghiện ma túy là tội phạm, mà coi là người bệnh, cần được giúp đỡ từ bỏ ma túy, quay lại đời sống bình thường, hòa nhập với xã hội. Vì vậy, phải coi trọng và đẩy mạnh việc cai nghiện tại cộng đồng; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó chú trọng huy động các đoàn thể, mặt trận cùng gia đình giúp đỡ cũng như giám sát người nghiện trong quá trình cai nghiện tại cộng đồng, giám sát việc người nghiện điều trị bằng Methadone. “Phải giải quyết việc cai nghiện ma tuý, cắt cơn tại gia đình và cộng đồng là chủ yếu với thuốc thay thế Methadone cũng như các loại thuốc khác được Bộ Y tế cung cấp. Việc dùng thuốc Methadone hay thuốc khác thay thế cho người cai nghiện phải được áp dụng rộng rãi đối với cả phạm nhân nghiện trong các trại giam, các cơ sở cai nghiện bắt buộc hay tự nguyện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cấp chính quyền địa phương trong công tác này. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn cụ thể và chính quyền các địa phương cần có chương trình, kế hoạch quản lý người nghiện ma tuý tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của mình, bảo đảm hiệu quả, người nghiện ma tuý được tư vấn về tâm lý, sức khoẻ, tạo điều kiện để có công ăn việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, không bị kỳ thị, xa lánh. Xây dựng đội ngũ tình nguyện giúp đỡ người nghiện ma tuý với kế hoạch cụ thể có sự tham gia của cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, người dân trong quản lý người nghiện và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng như tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống, hoà nhập xã hội, không bị lôi kéo để tái nghiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Bên cạnh việc sử dụng đúng mục đích kinh phí từ ngân sách Trung ương, các địa phương cần coi trọng, dành thêm kinh phí phù hợp cho công tác quản lý người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại địa phương mình. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho công tác này.

Đối với những người nghiện thường xuyên đi lang thang, không xác định được nơi cư trú hoặc phạm pháp (chưa đến mức độ xử lý hình sự) thì tiếp tục tổ chức đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng nghiên cứu để đưa ra thời gian cai nghiện bắt buộc phù hợp. Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma tuý thì các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi một số quy định cho phù hợp như đưa vào các Trung tâm giáo dưỡng của Bộ Công an.

Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục nghiên cứu, học tập mô hình Tòa án ma túy ở các nước, đặc biệt là những nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam; sớm xây dựng đề án thành lập tòa án ma túy, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.