Hai nữ 'thủ khoa' giáo viên chủ nhiệm giỏi

GD&TĐ - Cô Trần Thị Thủy và Trần Thị Phương, Trường THCS Đặng Thai Mai (Vinh) vừa đạt đồng thủ khoa cuộc thi GV chủ nhiệm giỏi cấp THCS tỉnh Nghệ An.

Theo cô Thủy, giáo viên vừa dạy học nhưng cũng là người đồng hành, tạo sự tin tưởng cho chính học sinh của mình.
Theo cô Thủy, giáo viên vừa dạy học nhưng cũng là người đồng hành, tạo sự tin tưởng cho chính học sinh của mình.

Với 2 cô giáo thế hệ 8X, chủ nhiệm học sinh lứa tuổi “dở dở ương ương” nhiều vất vả, trăn trở. Nhưng dạy bảo, đồng hành trong từng thay đổi của học trò khiến giáo viên chủ nhiệm nhận về niềm vui, hạnh phúc bất ngờ và giá trị đặc biệt không đo đếm được của nghề “trồng người”.

Tôn trọng, khơi dậy tư duy phản biện

Tham dự hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cô Trần Thị Phương (sinh năm 1986), giáo viên Vật lý đã chọn đề tài “biện pháp góp phần phát triển tư duy phản biện cho học sinh qua tiết sinh hoạt lớp”. Đây là đề tài cô ấp ủ trong nhiều năm và đã từng áp dụng hiệu quả cho chính những lớp mình từng chủ nhiệm.

Theo cô Phương, học sinh THCS có sự nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần, từng bước tách dần khỏi thời thơ ấu chuyển sang giai đoạn phát triển trưởng thành hơn. Trong giai đoạn này, các em có sự thay đổi vượt trội cả về thể chất lẫn chuyển biến tâm sinh lý, nhận thức. Trong đó, ý thức cái tôi cá nhân dần định hình và thể hiện mạnh mẽ. Chính vì vậy, các em có nhu cầu bộc lộ năng lực, ý kiến của mình, không muốn bị áp đặt bởi tư duy, quan điểm của người khác, kể cả thầy cô giáo.

“Trong quá trình học tập, ý thức này của học sinh đôi khi thể hiện quyết liệt, thậm chí trái ngược với quan niệm, cách nhìn truyền thống. Nếu giáo viên bỏ qua, hoặc vội phủ nhận, sẽ dễ khiến học sinh tổn thương, phản ứng bằng cách khóa mình, phản đối trong suy nghĩ dù không còn thể hiện bằng lời nói, hành động nữa. Về lâu dài làm mất đi tính phản biện cần thiết của thế hệ học sinh bây giờ”, cô Phương chia sẻ.

Cô Phương từng có thời gian công tác ở Trường THCS Trung Đô, sau đó chuyển về Trường THCS Đặng Thai Mai. Vì thế, cô tiếp xúc, phụ trách nhiều lớp học sinh kể cả định hướng tự nhiên hoặc xã hội, lớp phổ cập lẫn lớp chọn. Ngoài một số em nổi trội, cô nhận thấy nhiều học sinh hạn chế về kỹ năng, tư duy phản biện.

“Các em hầu như tin tưởng, chấp nhận kiến thức mà giáo viên đưa ra, ít khi phản biện. Một phần do kiến thức trên lớp mà cô dạy trong chương trình SGK đã chuẩn, mặt khác học sinh vẫn đang bị ảnh hưởng bởi việc tiếp thu kiến thức một chiều. Dù nhiều em có thắc mắc, hoặc muốn tìm tòi sâu thêm, nhưng ngại hỏi và không biết hỏi thầy cô như thế nào”, cô Phương nói.

Cô Phương chia sẻ mình luôn tôn trọng cá tính và tạo điều kiện để học sinh thể hiện năng lực của bản thân.

Cô Phương chia sẻ mình luôn tôn trọng cá tính và tạo điều kiện để học sinh thể hiện năng lực của bản thân.

Để thay đổi điều này, cô Phương bắt đầu với tiết sinh hoạt lớp. Mục đích hình thành tư duy, kỹ năng phản biện cho học sinh để các em sau đó có thể áp dụng, thể hiện ở giờ học của bất cứ môn nào, với giáo viên nào. Trong tiết sinh hoạt, cô thường dành 2/3 thời gian để tổ chức các hoạt động tập thể, làm việc nhóm để các em phân công nhiệm vụ cho nhau, thể hiện thế mạnh của mỗi bạn.

Đồng thời tổ “đối thoại” theo chủ đề hoặc sự kiện, thông tin “nóng” để các em nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Trong lớp còn có “Hộp trao gửi yêu thương” để học sinh có thể chia sẻ câu chuyện, tâm sự khó nói của mình với cô giáo.

Qua thời gian có em tính nhút nhát đã trở nên mạnh dạn và tự tin hơn. Nhiều vấn đề khúc mắc trong học tập, cuộc sống cũng được tháo gỡ qua mỗi buổi sinh hoạt lớp. Cô Phương cho biết: “Khi tôi đem những điều này ứng dụng vào tiết thực hành của hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, dù không phải lớp chủ nhiệm quen thuộc của mình, nhưng các em rất hợp tác, thoải mái.

Tôi cho rằng lứa tuổi nào cũng cần chia sẻ, và nếu giáo viên biết cách khơi gợi, thì các em sẽ hưởng ứng, không ngại tương tác. Và bất cứ lớp học nào, môn học gì, sự tương tác càng nhiều thì càng thành công, ý nghĩa chứ không chỉ là giáo viên cung cấp được bao nhiêu kiến thức cho học sinh”.

Cô Trần Thị Phương tạo cơ hội cho học sinh hoạt động nhóm.

Cô Trần Thị Phương tạo cơ hội cho học sinh hoạt động nhóm.

Xây dựng lớp học hạnh phúc

Nhận kết quả đồng thủ khoa thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh với đồng nghiệp trong trường là niềm vui đặc biệt của cô Trần Thị Thủy (sinh năm 1983). Danh hiệu này đối với cô Thủy lớn hơn một thành tích trong cuộc đời dạy học, và còn là sự công nhận, khẳng định bản thân ở vị trí mới.

Bởi trước khi về Trường THCS Đặng Thai Mai, cô từng có từng có 10 năm là giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Đô Lương 4 (huyện Đô Lương). Thời gian đó, cô cũng đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp, nhưng độ tuổi THPT đã có sự khác biệt so với THCS cả về cách tiếp cận, phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh.

Học sinh THCS vừa bước từ giai đoạn “vừa học, vừa chơi”, gắn bó gần gũi với 1 cô giáo chủ nhiệm đồng thời dạy văn hóa sang học theo từng bộ môn riêng. Kiến thức dần nâng cao, mục tiêu học tập cụ thể hơn, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè rộng mở. Các em sẽ đối diện với một số áp lực nhất định ở môi trường trung học.

Cô Thủy chia sẻ: “Tại hội thi tôi chọn chủ đề “xây dựng lớp học hạnh phúc” cho phần thi trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp chính là bởi nhìn thấy áp lực của học sinh và giáo viên hiện nay. Nếu biết cách, áp lực sẽ trở thành động lực, trái lại, sẽ gây cảm xúc không tốt trong môi trường học đường”.

Theo cô Thủy, hiện nay thước đo cho chất lượng của một lớp học, công tác chủ nhiệm đều gắn với tiêu chí, thành tích cụ thể. Để đạt được xếp hạng tốt trong trường, có nhiều cách để quản lý lớp và học sinh. Thậm chí không ít trường hợp lạm dụng vai trò giáo viên chủ nhiệm để ép buộc các em phải thực hiện những việc làm, hoạt động mà các em không muốn.

Với cách làm đó, lớp có thể đạt thành tích thi đua cao, nhưng ngoài thứ hạng, thì không khí của lớp trở nên nặng nề, căng thẳng. Học sinh mất dần sự hào hứng trong hoạt động tập thể, khoảng cách giữa cô và trò ngày càng rộng. Các em không còn muốn chia sẻ mong muốn, suy nghĩ, ý kiến với giáo viên chủ nhiệm, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ học tập, sinh hoạt đúng nội quy đề ra.

“Như vậy, cả cô và trò đều không còn niềm vui nữa, mà chỉ có máy móc, khô cứng, lạnh lẽo. Khi quá chú trọng vào tiêu chí thi đua mà quên đi cá tính, năng lực, và cảm nhận của học sinh lẫn chính giáo viên, thì dễ mất đi kết nối của tình cô trò, và liệu có còn lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc”, cô Thủy chia sẻ.

Với quan điểm đó, cô Thủy tự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh, và mục tiêu giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm vừa là người đồng hành, người bạn, tôn trọng sự khác biệt để tạo nên tập thể lớp nhiều cá tính, màu sắc nhưng đoàn kết. “Trong hàng nghìn học trò, mỗi em có một tính cách khác nhau. Giáo dục cũng cần nguyên tắc, và cần thiết chỉ ra lỗi sai khi học sinh vi phạm.

Song cách “kỷ luật” tế nhị, mang tính giáo dục, nhân văn, không kể tội hoặc phê bình trước đám đông, trước tập thể. Thay vào đó có thể nói chuyện riêng, trao đổi với phụ huynh. Các em cũng có điểm mạnh, hoặc nguyên do ẩn sau hành động phạm lỗi của mình. Khi giáo viên tìm hiểu, thông cảm, và biết khuyến khích ưu điểm, thì học sinh sẽ có tự tin và tôn trọng trở lại tập thể, yêu quý lớp học của mình.

Cũng với quan điểm này nên ở phần thi thực hành, khi bắt thăm được chủ đề “Đức tính đặc trưng của em”, cô Thủy đã tổ chức tiết sinh hoạt mà em học sinh nào cũng tham gia thảo luận nhóm và đóng góp vai trò của mình. Lớp học sôi nổi, không áp lực đó đã đem về cho cô Trần Thị Thủy 19,5/20 điểm thực hành, cao nhất hội thi.

Cô Thủy luôn xây dựng lớp học hạnh phúc để học sinh không áp lực, có động lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện.

Cô Thủy luôn xây dựng lớp học hạnh phúc để học sinh không áp lực, có động lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện.

Lời cảm ơn học trò

Cả 2 cô Trần Thị Phương, Trần Thị Thủy đều có nhiều thành tích cao đối với chuyên môn của mình. Cô Thủy từng đạt thủ khoa phần thi thực hành giáo viên dạy giỏi tỉnh cấp THPT môn Ngữ văn, sau khi chuyển công tác tiếp tục giành giải Nhì cấp THCS. Cô Phương cũng đã đạt thủ khoa Kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh cấp THCS môn Vật lý năm 2020. Nhưng kết quả thủ khoa giáo viên chủ nhiệm giỏi đem lại cho 2 cô nhiều cảm xúc khác, và cả những bài học sư phạm quý giá.

Năm học 2022 - 2023, cô Phương đang chủ nhiệm lớp 6 - cũng là khóa đầu tiên Trường THCS Đặng Thai Mai thực hiện mô hình trường học tiên tiến. “Với một mô hình giáo dục mới, giáo viên cũng phải tiếp cận, thay đổi, làm hiện đại bản thân. Học sinh bây giờ cũng ngày càng năng động, ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, thông minh hơn cả cô. Giáo viên chủ nhiệm vì thế cũng vất vả hơn để “theo kịp” học trò mình.

“Bản thân tôi phải luôn trau dồi chuyên môn để có thể dạy học, định hướng và khơi gợi sự tìm tòi sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó còn tìm hiểu xu hướng của giới trẻ, nghe nhạc trẻ, xem phim trẻ… để làm bạn với học trò, tìm tiếng nói chung. Bởi mình đã từng trải qua tuổi học trò, là người có kinh nghiệm, còn các em chưa từng là người lớn”, cô Phương nói.

Càng dành nhiều tâm huyết cho công việc của mình thì cô trò lại càng gắn kết. Với cô Phương, được có mặt, trở thành phần ký ức trong cuộc đời học trò là cái “duyên” của nghề giáo. Có thể không phải tiết học nào của cô cũng hoàn hảo, nhưng cô trò sẽ cùng “phối hợp” để có những kỷ niệm đẹp đẽ. Sau nhiều vất vả, thì niềm vui, hạnh phúc khi chứng kiến học sinh từng bước thay đổi tích cực hơn trong suy nghĩ, hành động lại càng lớn hơn.

Còn cô Thủy chia sẻ mình đã làm chủ nhiệm nhiều lớp với hàng nghìn học sinh. Có em là học sinh giỏi văn hóa, có em lại năng khiếu hoạt động, có em nghịch ngợm cá biệt và có em khép kín không muốn thể hiện. Không phải với học sinh nào giáo viên chủ nhiệm cũng sát sao toàn bộ, giúp các em hoàn thiện. Nhưng ít nhất mình cũng lắng nghe, chia sẻ và học sinh thấy tin cậy khi tìm đến.

Càng lớn dần, đôi khi áp lực của học trò đến từ chính kỳ vọng, mục tiêu mà các em đặt ra cho bản thân. Giáo viên chủ nhiệm vừa dạy học chuyên môn, nhưng cũng là cầu nối giữa nhà trường với gia đình, cô giáo với phụ huynh và học sinh. Từ đó có ứng xử phù hợp trong quá trình học tập và hình thành nhân cách các em.

Hai cô giáo chủ nhiệm cũng tâm sự, nghề dạy học không chỉ trò mới là người “được nhận”. “Tôi phải cảm ơn học sinh, khi các em đã giúp tôi hoàn thiện bản thân mình, và nhận về rất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn, lo lắng, hạnh phúc... Giáo viên không phải là cuốn giáo án cũ từ năm này qua năm khác. Chính các em là người truyền cảm hứng để tôi yêu nghề giáo hơn, tiếp tục chặng đường phía trước của mình với sự chờ đợi nhiều điều bất ngờ, mới mẻ phía trước từ mỗi lớp, mỗi thế hệ học sinh”, cô Trần Thị Thủy bày tỏ.

Cô Thủy và cô Phương là 2 giáo viên trẻ, năng động, có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với học trò và nhiều sáng tạo trong phương pháp giáo dục. Vì thế, đạt đồng thủ khoa hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cấp THCS là kết quả xứng đáng với nỗ lực và tình yêu nghề, yêu trò của 2 cô giáo.

Danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi không chỉ là vinh dự của cá nhân cô Thủy, cô Phương mà còn là niềm tự hào, đóng góp vào thành tích chung của nhà trường. Qua đó, tạo động lực cho các giáo viên khác của trường tiếp tục phấn đấu nỗ lực. Cả tập thể cùng thi đua dạy tốt, học tốt chính là yếu tố quyết định cho chất lượng Trường THCS Đặng Thai Mai - trường trọng điểm chất lượng cao của thành phố Vinh và đang thí điểm mô hình trường học tiến tiến của Nghệ An. - Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.