Hai “người dưng” chỉ chung con cái

GD&TĐ - Cách cư xử của chồng khiến tôi có cảm giác như hai người dưng chỉ chung con cái.

Hai “người dưng” chỉ chung con cái

Tôi 36 tuổi, chồng hơn tôi 7 tuổi, yêu nhau 3 năm và kết hôn được hơn 10 năm. Hiện tôi có hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Vợ chồng tôi được mọi người khen là cặp đôi hoàn hảo vì đều đẹp, công việc ổn định, thu nhập khá. Chồng tôi có tài, phóng khoáng, nhiệt tình nên mọi người quý mến, nhiều phụ nữ ngưỡng mộ. 

Tuy nhiên, khi ở nhà anh rất gia trưởng, sạch sẽ quá mức, khó tính, hay càu nhàu, soi mói. Những lúc vợ chồng tranh luận anh hay giận dỗi, im lặng, chiến tranh lạnh cho đến khi tôi phải chủ động làm lành. Anh không bao giờ đưa tiền cho vợ hay bàn bạc với vợ về công việc gia đình, họ hàng mà chỉ bàn bạc với bố mẹ anh. 

Chúng tôi vẫn sống cùng bố mẹ chồng mặc dù đã có nhà riêng vì chồng tôi không thích ở riêng. Bố mẹ chồng đã về hưu, tốt tính, giúp chúng tôi làm việc nhà, rất chiều con trai, cũng quý mến con dâu.

Thẻ lương của anh đưa cho mẹ để chi tiêu sinh hoạt (lương anh hơn 20 triệu), các công việc giỗ chạp họ hàng, anh đều đưa tiền cho mẹ chi. Tôi sống biết điều, hòa thuận, luôn nhường nhịn chồng để gia đình yên ấm. Vừa về làm dâu tôi đã tự nguyện lấy của hồi môn trả nợ cho nhà chồng. Khi anh cần tiền, tôi vay của bố mẹ đẻ để anh đầu tư văn phòng và mua ô tô (Bố mẹ tôi là nông dân, chỉ dành dụm được vài trăm triệu gửi tiết kiệm). 

Nhưng khi làm ra tiền anh không đưa tôi trả nợ mà để tiền tiêu pha, mua sắm hoang phí. Anh nói "anh thích nợ, khi nào ai đòi anh mới trả". Sau 2 năm cho vay, tôi nói bố tôi đòi tiền anh. Anh đoán được nên giận tôi và chiến tranh lạnh với tôi cả tháng.

Khi con thứ hai được 8 tháng, tôi phát hiện chồng ngoại tình. Tôi rất đau khổ nhưng vì con còn quá nhỏ và chưa đủ kinh tế để nuôi con nên tôi đã bỏ qua. Sau chuyện này tôi quyết định bỏ việc nhà nước ra ngoài làm tư và mở văn phòng riêng. Giai đoạn vất vả qua đi, thu nhập của tôi hiện nay khoảng 10.000 USD/tháng. Tôi có nhiều thời gian nên hỗ trợ công việc của chồng rất nhiều vì anh vẫn làm nhà nước, chỉ làm thêm ngoài giờ. 

Tôi muốn quản lý toàn bộ thu chi, tiền hai đứa làm để vào quỹ chung nhưng anh không đồng ý mặc dù thu nhập của tôi hàng tháng cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi anh. Anh vẫn mặc định tiền của ai người ấy tiêu, công việc họ hàng nhà ai người ấy lo. Khi thiếu tiền anh lại hỏi tôi. Tôi chi thì anh vui vẻ, còn nếu không anh sẽ bực tức, giận dỗi. 

Anh làm ra tiền nhưng chi tiêu rất hoang phí nên không để ra được đồng nào. Tôi muốn anh góp tiền cùng mua nhà đang thuê để yên ổn làm ăn nhưng anh không đồng ý. Anh nói tôi thích thì tự mua, anh muốn dành tiền đổi xe sang dù xe đang đi mới được 4 năm và 1,1 tỷ.

Về chuyện tình cảm vợ chồng, anh rất khô khan, không có nhu cầu gần gũi vợ. Tôi thường phải chủ động đòi hỏi nhưng một hai tuần mới được một lần. Thỉnh thoảng anh có biểu hiện lực bất tòng tâm khi đang quan hệ. Tôi không rõ đó là do yếu sinh lý hay do không có hứng thú với vợ. Tôi bảo anh đi khám nhưng anh nói mình bình thường, do công việc căng thẳng nên thế. 

Tôi chưa phát hiện anh tái phạm ngoại tình nhưng thỉnh thoảng tôi đọc được một số tin nhắn kiểu muốn hẹn gặp của anh với một vài phụ nữ. Tôi hỏi thì anh bảo chỉ là xã giao chứ không có gì. Tôi không tin anh nhưng cũng phải tự bỏ qua vì không có bằng chứng cụ thể. Tôi đã nói nếu anh tái phạm ngoại tình, tôi sẽ ly hôn.

Công việc của tôi đòi hỏi phải làm từ 9g đến 19g hàng ngày, tôi không muốn phiền bố mẹ chồng nên định thuê người giúp việc nhưng anh và bố mẹ không đồng ý. Anh muốn tôi làm việc nhà, nấu cơm nhưng lại không muốn đưa tiền cho tôi. 

Cách cư xử của anh khiến tôi có cảm giác như hai người dưng chỉ chung con cái. Tôi vẫn đẹp mặn mà và có không ít đàn ông tán tỉnh nhưng luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Tôi còn yêu anh, muốn con có gia đình đầy đủ hạnh phúc. Mong chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên. (Thanh)

Nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:

Chào chị Thanh,

Đọc thư của chị tôi mường tượng ra chị là một người phụ nữ đảm đang, thương yêu chồng và gia đình, luôn nhường nhịn chồng từ tài chính đến công việc hàng ngày, mua sắm tài sản và đối nội, đối ngoại của một gia đình.

Nhưng chị biết đó, hôn nhân, gia đình là cuộc sống chung giữa vợ và chồng, đòi hỏi hai người cùng góp sức và xây dựng, hướng đến cuộc sống hạnh phúc. Để đạt được điều này, hai người cần phải thương lượng với nhau. Tôi nhận thấy, trong cuộc thương lượng về tài chính, công việc gia đình, mua nhà hay quan hệ vợ chồng có vẻ như chị là người yếu thế hơn và thường phải nhường nhịn.

Hiện tại, chị vẫn thấy ổn, vẫn còn yêu anh ấy và gia đình, nhưng sự cô đơn đã xuất hiện và thêm thời gian nữa có thể là sự mệt mỏi và kiệt sức. Để tránh được những điều này, chị và chồng nên nói chuyện với nhau về vai trò của mỗi người trong gia đình, việc thực hiện vai trò ở khía cạnh kinh tế, chăm sóc gia đình và tình cảm giữa hai vợ chồng. 

Trong quá trình nói chuyện, chị và anh ấy cần cắt nghĩa chính xác vai trò trụ cột của gia đình. Như chị nói chồng chị là người gia trưởng, thông thường người gia trưởng lại là trụ cột về kinh tế. Họ lo cho gia đình đầy đủ về kinh tế và chính sự đầy đủ đó là cách thức củng cố tiếng nói của họ trong gia đình. Do vậy, trong quá trình nói chuyện, chị hãy hỏi anh ấy quan niệm như thế nào về trụ cột gia đình.

Chúc chị dành thắng lợi trong các cuộc thương lượng với chồng.

Theo Phụ nữ và cuộc sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.