Nói với hãng tin Izvestia vào ngày 16/1, chính trị gia Croatia Ivan Vilibor Sincic - thành viên phái đoàn EP về quan hệ với Nga cho biết, Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác đang tích cực làm việc liên quan các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga.
Theo chính trị gia này, các biện pháp chống lại Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga đang được thảo luận, cũng như các hạn chế đối với việc xuất khẩu kim cương của Nga. Nghị sĩ Đức Gunnar Beck đã xác nhận sự tồn tại của những ý tưởng như vậy.
Ông Gunnar Beck cho biết, đề xuất cụ thể nhất hiện có là giảm trần giá dầu của Nga (trước đây thống nhất ở mức 60 USD/thùng). Việc đàm phán cũng đang được tiến hành để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Rosatom.
Chuyến thăm Ukraine gần đây của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans (chịu trách nhiệm về các vấn đề khí hậu) có thể cho thấy rằng Brussels đồng tình với đề xuất của Kiev về việc đưa ra biện pháp này.
Ông lưu ý, đến nay chỉ có Phần Lan chính thức dừng hợp tác với Rosatom.
Theo ông Gunnar Beck, hiện còn phải xem liệu các biện pháp trừng phạt như vậy có nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên còn lại hay không. Hungary có mối quan hệ đối tác lâu dài với Liên bang Nga trong ngành công nghiệp hạt nhân, vì vậy họ có thể ngăn chặn các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực này.
Ngay cả trước khi gói trừng phạt thứ 9 được thống nhất, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng Budapest sẽ cố gắng ngăn chặn các lệnh trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân, vì chúng sẽ gây ra hậu quả bi thảm cho đất nước.